Nhạc sĩ Phú Quang. |
Đêm diễn mở đầu hoành tráng với sự xuất hiện của Dàn nhạc Giao hưởng VN do chính nhạc sĩ chỉ huy, dàn vocal của Nhà hát nhạc vũ kịch cùng Ban nhạc Sao Mai với tác phẩm Hà Nội phố. Ca sĩ Sao Mai được ưu ái thể hiện ca khúc này và Chiều không em, nhưng dường như giọng ca của cô chưa đạt đến độ chín và sâu lắng cần có. Bù lại, ngay sau đó là sự da diết của Trọng Tấn với Điều giản dị, Mơ về nơi xa lắm và Có một ngày. Cùng với sự hỗ trợ của nhạc trưởng người Anh S. Graham, Trọng Tấn đã thể hiện được sở trường của mình và thăng hoa.
Trong đêm diễn, Phú Quang đã phô diễn hết được những sắc màu trong âm nhạc của mình. Người nghe chỉ quen với các bản ballad dịu dàng mà không ngờ tới Phiêu diêu đầy chất jazz phiêu linh, Đêm ả đào đậm chất ca trù nhưng vẫn hiện đại. Hà Trần bản lĩnh với giai điệu chênh vênh, vô định nhưng dường như cô vẫn chưa thoát ra khỏi cách hát của Nhật thực. Ngọc Anh, ca sĩ mà Phú Quang đánh giá rất cao, đã không phụ lòng anh khi hát Đêm ả đào đầy nội lực, mãnh liệt và dữ dội.
Hai vị khách làm nên điểm nhấn tuyệt vời của chương trình là tài tử Ngọc Bảo và nhà thơ Dương Tường. Trước đêm diễn, Ngọc Bảo nài nỉ được hát tặng cho chương trình một bài. Và dù đã qua bát thập tri thiên mệnh ông vẫn đắm say với một ca khúc mà Phú Quang viết tặng riêng. Nhà thơ Dương Tường đã khiến khán giả ngạc nhiên khi thể hiện cùng ca sĩ Thùy Dung và dàn vocal ca khúc Dương cầm lạnh phổ thơ của ông.
Phú Quang tâm sự: “Khi tôi cách xa Hà Nội hàng nghìn cây số, những cảm giác về thành phố được thức dậy dường như trọn vẹn hơn. Góc phố mùa thu, những ngày đông tê tái, mưa phùn Hà Nội nhẫn nại, đối với tôi lúc nào cũng day dứt nhớ. Tôi nợ Hà Nội nhiều và viết cũng là cách để trả nợ cho chính mình. Tôi bị ràng buộc bởi kỷ niệm nên không ngạc nhiên khi với Hà Nội tôi mang một tình yêu gần như đau đớn”. Và anh đã thể hiện trọn vẹn tình yêu ấy bằng Hà Nội ngày trở về. Trong tư cách ca sĩ, Phú Quang hát run rẩy, xúc động khác hẳn sự tinh nhanh, khôn khéo của doanh nhân Phú Quang ngày thường.
Phú Quang đã rất kỳ vọng vào việc đưa một phần nhạc giao hưởng vào chương trình, nhưng kỳ thực, nó chưa đạt được ý của người tổ chức. Giao hưởng Khát vọng Phú Quang viết tặng cho gia đình do chính vợ anh, nghệ sĩ flute Nguyễn Thị Nhung thể hiện, không đủ độ khúc triết của nhạc cổ điển, và cũng không đủ độ mượt mà, say đắm của một bản ballad. Ngoài một số trục trặc nhỏ về âm thanh thì đây là một đêm diễn nghiêm túc, kỹ lưỡng.
Thu Hương