’Cốm non’ của Lâm Thị Mỹ Dạ được dịch sang tiếng Anh

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Cốm non cùng sự nghiệp viết lách của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, bắt đầu với cái mà người Mỹ gọi là Chiến tranh Việt Nam.
Tôi gặp Lâm Thị Mỹ Dạ ở Huế, vào năm 1994. Trước đó tôi đã đọc và thích mấy bài thơ được dịch ra tiếng Anh của chị. Tôi nói với chị rằng tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ có thể dịch những bài thơ khác của chị. Nói vậy, nhưng khi đó cũng chẳng biết sẽ thực hiện như thế nào: Dạ có biết đôi chút tiếng Anh và tôi từng học tiếng Việt, nhưng ngay cả trong những câu chuyện thông thường nhất chúng tôi vẫn cần có người giúp.
Rất may, Tô Diệu Linh (nay là Linh Tô Green), người giúp phiên dịch cho chúng tôi, đã quen biết nhà thơ từ nhiều năm trước. Ít năm sau đó, khi Linh đến Boston để theo học chương trình cao học, cô đã cùng tôi dịch những bài thơ đầu tiên.
Mùa hè năm 2000, Lâm Thị Mỹ Dạ đến Boston để tham dự trại viết của Trung tâm William Joiner. Lần ấy, Đinh Thúy, nhà văn Mỹ gốc Việt đang hành nghề luật sư Washington D.C., cũng đến dự trại để hoàn thành một tác phẩm ký. Thúy đã quấn quýt với Dạ trong phần lớn thời gian 2 tuần ở trại, thường kiêm luôn vai trò phiên dịch khi cả ba chúng tôi gặp nhau, chọn thơ và dịch một số bài. Từ đó, Thúy và tôi cộng tác với nhau.
Mới đầu, Thúy bao giờ cũng là người làm bản “dịch thô” gửi tôi kèm theo những chú giải kỹ lưỡng. Một mặt, chị giải thích cho tôi những khía cạnh văn hóa mà tôi có thể không biết. Mặt khác, với vốn kiến thức văn học của mình, chị có thể giúp tôi tìm kiếm những giọng điệu tương đương, điều rất bổ ích cho tôi khi hoàn thiện bản dịch.
Đồng thời, tôi cố gắng sử dụng vốn tiếng Việt hạn chế của mình để dò từng chữ và thực hiện những bản dịch word by word. Việc này buộc tôi phải dừng lại để ngẫm nghĩ, để lắng nghe từng dòng thơ, để cảm nhận âm vang của từng chữ trong câu thơ. Dần dần, đến lượt tôi trở thành người thường dịch thô trước để gửi Thúy. Nhưng dù ai là người dịch thô, chúng tôi đều trao đổi thường xuyên, bàn bạc cho đến khi cả hai cảm thấy hài lòng.
Tập Cốm non bao gồm 56 bài thơ được lựa chọn lại từ một tuyển tập do chính tác giả lựa chọn. Nửa đầu tập là những bài rút từ ba tập thơ đầu, xuất bản trong khoảng thời gian từ 1974 đến 1990. 6 bài, từ bài Cái tổ chim, rút từ tập Mẹ và con, xuất bản năm 1994, trong đó một số bài lấy chất liệu từ ngôn ngữ của con gái tác giả. Các bài còn lại, trừ 2 bài Màu phố Phái và Tháng Giêng viết gần đây, đều rút từ tập Đề tặng một giấc mơ, in năm 1998.
Sự cộng tác dịch cuốn sách này mang nhiều ý nghĩa thú vị: tập thơ do một phụ nữ Việt Nam bắt đầu sáng tác trong cuộc chiến tranh Việt Nam, và nó được dịch sang tiếng Anh bởi một nhà văn nữ người Mỹ gốc Việt, người rời khỏi Việt Nam khi chiến tranh kết thúc, và một nhà thơ Mỹ từng phản đối cuộc chiến tranh ấy khi còn biết rất ít về nơi cuộc chiến nổ ra. Nói như lời Lâm Thị Mỹ Dạ trong bài Bạn gái, quá trình dịch thuật này chính là cách chia cùng ngọt, đau.
Biết rằng không bản dịch nào có thể sánh được với nguyên tác, nhưng tôi hy vọng rằng bản tiếng Anh sẽ giúp cho bạn đọc Mỹ tiếp cận được những đóng góp của một người phụ nữ vào một nền văn học mà (thật đáng buồn) vẫn còn rất ít được giới thiệu ở Mỹ.
Martha Collins
(Theo Tiền Phong)

1gom