Bệnh cúm và cách phòng chống

Có 3 loại virus cúm: loại A (gồm 3 phân loại H1N1, H2N2, H3N3) gây các dịch lớn mang tính toàn cầu; loại B gây các dịch khu vực; còn loại C gây ra các trường hợp cúm tản mát ở một số địa phương. Trên thế giới, đại dịch cúm đã xuất hiện 4 lần vào các năm 1889, 1918, 1957 và 1968). Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, từ đầu năm nay, tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc) đã bùng phát bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus. Tính đến cuối tháng 2, đã có 305 trường hợp mắc và 5 ca tử vong.
Các triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm rất đa dạng, thường xuất hiện sau khi nhiễm virus 1-3 ngày. Các dấu hiệu điển hình là sốt cao đột ngột, đau đầu, đau cơ, mỏi mệt, sổ mũi, đau họng và ho. Trường hợp nặng có thể bị viêm phổi cấp tính do virus cúm hoặc do bội nhiễm vi khuẩn. Có trường hợp bị viêm não hoặc xuất hiện hội chứng thần kinh, dẫn đến tử vong nhanh.
Để để phòng bệnh cúm, cần tiêm vacxin cúm với liều duy nhất mỗi năm, riêng những người bị suy giảm miễn dịch tiêm 2 liều cách nhau 4 tuần. Không sử dụng vacxin này cho phụ nữ có thai, người đang bị sốt hoặc có tiền sử dị ứng với trứng. Ngoài ra, cần tăng cường vệ sinh cá nhân, tránh hít phải chất ho hay hắt hơi của bệnh nhân. Khi tiếp xúc với người bị cúm, cần đeo khẩu trang. Có thể nhỏ mũi các dung dịch sát khuẩn đường mũi họng như Sunpharin, nước tỏi; sử dụng các loại nước súc miệng có bán ở hiệu thuốc.
Những người bị cúm có diễn biến nặng cần được đưa vào bệnh viện để được điều trị theo quy định; tốt nhất là điều trị cách ly ở khoa lây. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, có thể sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu Amantadin hoặc Rimantadin để làm giảm triệu chứng và lượng virus cúm trong đường hô hấp. Liều dùng mỗi ngày là 5 mg/kg (đối với trẻ dưới 9 tuổi hoặc người lớn dưới 45 kg) hoặc 100 mg/người, chia làm 2 lần (đối với người lớn nặng 45 kg trở lên). Liệu trình điều trị khoảng 3-5 ngày. Cần sử dụng thêm kháng sinh đặc hiệu khi bị bội nhiễm đường hô hấp.
Tiến sĩ y học Trịnh Quân Huấn (Theo Nhân Dân)

Close [X]
1gom
1gom