From: Tran Hoang LongTo: [email protected]: Monday, November 11, 2002 1:05 PM Subject: Tac duong do dau
Mọi người đã bàn nhiều nguyên nhân gây tắc đường và giải pháp hạn chế xe máy, tôi chỉ muốn góp một ý kiến nhỏ: Liệu có thể hạn chế xe máy được không? Theo tôi là không, vì thực ra sử dụng xe máy hiện nay là nhu cầu sống còn của đại đa số người dân.
Tôi không rõ TP HCM như thế nào nhưng Hà Nội có nhiều nơi xe buýt không thể vào được vì đường quá hẹp, ví dụ như khu Định Công từ ngoài đường Giải Phóng người dân phải đi 3-4 km mới vào đến nhà, hay khu Văn Chương tình trạng cũng tương tự, vậy thì nếu đi xe buýt sau khi xuống xe đi bộ hay lại đi xe ôm? Đành rằng phát triển xe buýt là điều phải làm, nhưng với đường đi lối lại hiện nay ở Hà Nội (hậu quả của nhiều năm buông lỏng quản lý đô thị, xây cất chẳng cần quy hoạch) thì làm sao xe buýt đáp ứng được nhu cầu đi lại tối thiểu này.
Nhiều người nói ở nước ngoài người ta vẫn dùng phương tiện công cộng (xe buýt, xe điện ngầm…) rồi đổ cho ý thức sử dụng phương tiện công cộng của dân ta kém. Sao không nhắc rằng ở nước ngoài mạng lưới giao thông công cộng phủ dày, người dân chỉ phải đi bộ không quá 2 km là đến nơi cần. Hệ thống giao thông công cộng và các hạ tầng sinh hoạt khác (siêu thị, khu buôn bán…) gắn liền với nhau, còn ở ta phát triển tự do nên có cấm hẳn xe máy đi nữa thì dân chuyển sang dùng xe đạp chứ chưa chắc sẽ đi xe buýt. Dân ta đâu chỉ dùng xe máy đi đến công sở mà còn bao chuyện làm ăn và cuộc sống khác phải nhờ vào cái xe máy, xe đạp.
Thế là lỗi tại quá khứ, chẳng phải tại ai. Không nên quy tội gây tắc đường vào xe máy để rồi đưa ra những biện pháp cực đoan như xe biển chẵn đi ngày chẵn, biển lẻ đi ngày lẻ hay thu tiền gửi xe 20.000 đồng/lần…
Theo tôi quy hoạch và quản lý xây dựng chưa tốt mới là cái gốc của tắc đường chứ đâu phải là ý thức giao thông kém, xe máy nhiều hay xe buýt kềnh càng.