Vai trò của Hải quan Long An trong vụ buôn lậu Mỹ Phượng

Theo lời khai của các kiểm hóa viên, chủ trương này được bàn bạc nhiều trong các cuộc họp… Đây được coi là giải pháp thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu làm thủ tục qua HQLA, tăng khoản thu lệ phí nhằm đảm bảo chỉ tiêu thuế. Thế nhưng, dù hàng không xuống Bến Lức (Long An), vẫn thu lệ phí áp tải từ TP HCM về Long An, mọi chi phí đi lại của kiểm hóa viên đều do doanh nghiệp lo.
Cơ quan điều tra xác định, năm 1996-1997, HQLA đã hoàn tất thủ tục cho 185 container hàng của Phượng, thông qua Trầm Tấn Tài “mượn” pháp nhân hai DNNN để nhập khẩu. Trong đó có 75 container hàng lậu, trị giá hơn 64,8 tỷ đồng. Ngoài ra, HQLA còn chuyển tiếp và kiểm hóa 272 container mà Tài “dịch vụ” cho nhiều khách hàng khác, 182 container hàng do Trần Đàm và đồng bọn ở Tân Trường Sanh nhập vào. Hầu hết số hàng trên, bản khai đều ghi địa điểm kiểm hóa tại Bến Lức hoặc 183 Phan Thanh Giản (Mỹ Tho, Tiền Giang). Nhưng cơ quan điều tra đã chứng minh được chỉ có 9 container hạt nhựa PE được kiểm hóa tại Bến Lức rồi đưa ngược về TP HCM tiêu thụ. Số còn lại đều được hoàn tất thủ tục hải quan ngay tại kho của các “trùm” buôn lậu ở TP HCM.
Lãnh đạo HQLA: Chúng tôi không biết gì?
Bị cáo Ngô Hồng Hạnh, nguyên phó Phòng Giám quản, người đã 217 lần ký thủ tục chuyển tiếp hàng hóa sai quy định, không thể giải thích được nhiều câu hỏi của chủ tọa. Tòa nói: “Cái gì cũng không biết thì sao không từ chức ngay từ đầu?”.
Đến phiên mình, nguyên phó cục trưởng Nguyễn Thành Tiếp lại lần nữa đổ lỗi cho các kiểm hóa viên: “Tôi nghĩ là anh em làm sai rồi nói lãnh đạo chủ trương”. Tòa bẻ lại: “Nhưng việc xảy ra thường xuyên, thời gian dài chứ không phải một lần. Và họ đều khai là có chủ trương…”. Tiếp than thở: “Công việc nhiều quá, bản thân tôi mới về, chủ quan, xin tòa chiếu cố cho”. Ông ta được bổ nhiệm phó cục trưởng HQLA từ tháng 11/1996 và chưa đầy một năm, đến khi vụ án được khởi tố, ông Tiếp đã ký 226 đơn chuyển tiếp trái phép với quy định của Tổng cục Hải quan, tạo cơ hội cho các “bố già” như Trần Đàm, Trần Tấn Tài, Đỗ Thị Mỹ Phượng ồ ạt nhập hàng lậu.
Bị cáo Lưu Quốc Thấm cũng khẳng định từ lúc về làm cục trưởng HQLA đến khi khởi tố vụ án, “chưa bao giờ nghe nói” đến chủ trương giải tỏa hàng chuyển tiếp tại TP HCM. Tòa hỏi về trách nhiệm của lãnh đạo ra sao mà để kiểm hóa viên tự động làm trái như vậy, Thấm biện hộ: “Mũi dại thì lái chịu đòn, các kiểm hóa viên làm sai thì tôi phải chịu, nhưng lãnh đạo Cục không có chủ trương này… Tôi chỉ muốn làm điều tốt đẹp cho đất nước”. Bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, song ông Thấm nói: “Tôi chỉ ký khi các phó cục trưởng đi vắng, làm như các phó đã làm, tôi thấy không có gì sai”.
Các DNNN: Không biết mình bị lợi dụng để buôn lậu
Các bị cáo thuộc các doanh nghiệp: Công ty Dịch vụ Thủy sản Mỹ Tho (Tiền Giang), Công ty Thương mại Hòa Bình (Vĩnh Long) đều thừa nhận hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, bán hạn ngạch nhập khẩu, tư cách pháp nhân, giúp Tấn Tài và Mỹ Phượng nhập hàng hóa. Công ty Dịch vụ Thủy sản giúp Tài, Phượng nhập lậu 70 container, trị giá hơn 63 tỷ đồng. Ngoài ra, Huỳnh Chi On (nguyên giám đốc), Nguyễn Chánh Trực (phó giám đốc) cùng các nhân viên đã thông đồng làm các chứng từ nhập, xuất, phiếu thu khống để rút 43.812 USD trong số tiền thu được từ việc “bán mình” để chia nhau… Tuy nhiên, các bị cáo đều cho rằng không biết đã bị lợi dụng để nhập lậu số hàng nói trên.
Hôm nay (17/7), HĐXX tiếp tục thẩm vấn.
(Theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ)
Theo dòng sự kiện:
Hải quan nhận hối lộ 2.000-4.000 USD một container hàng lậu (14/7)Thủ đoạn lậu thuế của Mỹ Phượng và Tấn Tài (13/7)Vụ Mỹ Phượng: 3 bị cáo đầu tiên đổ tội cho kẻ đang bỏ trốn (12/7)Cách ly Đỗ Thị Mỹ Phượng trong phần xét hỏi (11/7)10/7: Xét xử vụ án 119 container hàng lậu (4/7)Cán bộ hải quan “thoát nạn” trong vụ Đỗ Thị Mỹ Phượng (15/6)Lần thứ hai trả hồ sơ vụ 143 tỷ đồng hàng lậu cho VKS (21/3)

Close [X]
1gom
1gom