Người ta nhận thấy rằng sâu răng nhiều hay ít tùy thuộc các yếu tố sau đây:
– Lượng acid sinh ra nhiều hay ít (do vi trùng làm lên men chất đường dính ở răng).
– Thời gian tiếp xúc giữa răng và acid (nếu ăn xong súc miệng ngay thì giảm thiểu được thời gian này).
– Lượng hóa học của nước bọt (có tính tiêu diệt vi trùng).
– Cảm ứng cá nhân tùy thuộc di truyền, chủng tộc, dinh dưỡng v.v…
Acid được tạo thành do sự lên men các chất ngọt dính ở răng, sẽ tấn công trước tiên men răng, rồi đến ngà răng. Phá hủy được thành trì kiên cố này chúng tấn công đến tủy răng. Lúc đó là bắt đầu đau, vì đã có sự tiếp xúc với dây thần kinh. Răng coi như đã chết. Nếu không chữa, vi trùng sẽ theo cửa sổ xâm nhập đó để tiếp tục tấn công chân răng vào xương hàm, gây áp xe, vào xoang mũi gây viêm xoang v.v…
Chữa trị sau răng thuộc thẩm quyền của nha sĩ. Tuy nhiên, ở đây tôi có thể nói với em về một vài nguyên tắc vệ sinh răng miệng tối thiểu, hy vọng nhờ đó em phòng ngừa được phần nào bệnh sâu răng.
– Phải tập thói quen đánh răng từ tuổi nhỏ. Đánh răng ngay sau khi ăn là tốt hơn hết. Nếu có thể được, nên dùng các loại thuốc đánh răng (kem) có chất fluor.
– Tránh ăn nhiều các chất đường, bột; các loại kẹo, bánh ngọt, nhất là trước khi đi ngủ. Nên ăn những loại có chất Ca và P để tỉ lệ Ca/P được quân bình, sinh tố D cũng rất cần thiết, giúp sự hấp thụ chất vôi.
– Nếu đi khám răng thường xuyên ở một nha sĩ, trung bình mỗi năm hai lần cho những người có bộ răng tốt. Nên đến chữa sớm khi bị sâu răng. Nha sĩ sẽ chỉ cho ta cách giữ gìn vệ sinh răng miệng, loại thuốc đánh răng thích hợp, loại bàn chải và có thể cả cách đánh răng (chẳng hạn nên chải theo chiều đứng, từ trên xuống…)
Nhưng tôi biết các em ngán đến nha sĩ lắm, tôi cũng vậy. Chỉ vì nhổ răng thì đau, cà răng thì ê cả người, lại phải ngồi lâu, ngày này qua ngày khác. Vậy tốt hơn ráng giữ vệ sinh răng miệng, phải không? Và đi nha sĩ khi răng chưa đau phải không?
(còn tiếp)