Một số đường mạch liên quan đến sức khỏe phụ nữ

Sinh lý học của cơ thể con người theo Đông y không ngoài sự hoạt động của âm dương, nhưng do chức năng sinh sản mà có sự khác biệt về giới tính. Để đảm bảo được nhiệm vụ đặc thù đó, cấu tạo cơ thể của nam và nữ có sự khác biệt về cơ quan sinh sản để đáp ứng phù hợp với từng thời kỳ trong quá trình phát dục, kinh nguyệt, thụ thai, sinh sản và nuôi con.

– Mạch xung: từ bào cung (dạ con) vào cột sống, nhánh nông đi từ huyệt Hội âm ra huyệt Khí xung, cùng kinh Thiếu âm thận lên rốn, lên phân bố ở ngực, tụ lại ở họng, cuối cùng là vòng quanh môi. – Mạch nhâm: từ huyệt Hội âm qua huyệt Mao tế, Quan nguyên, lên thanh quản, cằm, mặt rồi đi vào trong mắt.- Mạch đốc: từ huyệt Hội âm, qua huyệt Trường cường, dọc theo cột sống lên huyệt Phong phủ, vào não, lên đỉnh đầu (huyệt Bách hội), sang trán, lên mũi rồi kết thúc ở chân răng hàm trên (huyệt Nhân trung).- Mạch đới: Bắt đầu từ dưới bờ sườn, đi chếch xuống huyệt Đới mạch, rồi vòng quanh bụng.

Sách nội kinh viết: “Con gái 7 tuổi, thận khí thịnh, răng thay tóc dài; 14 tuổi mạch nhâm thông, mạch xung thịnh, kinh nguyệt bắt đầu ra, có thể sinh con…; 21 tuổi thận khí thịnh, cơ thể phát triển hoàn thiện sung sức, răng mọc đủ, tóc dài…; 35 tuổi mạch dương minh suy, da mặt bắt đầu thay đổi, sạm da, tóc kém mượt và bắt đầu rụng…; 42 tuổi ba mạch dương đều suy, da mặt sạm khô, tóc bắt đầu bạc…; 49 tuổi mạch nhâm hư, mạch xung suy, kinh túc thiếu âm thận giảm, mạch xung và mạch nhâm không thông, kinh nguyệt hết, không còn khả năng chửa, đẻ”.
Mạch xung là bể của 12 kinh mạch, quản lý khí huyết của các cơ quan nội tạng (Nội kinh viết: “Xung vi huyết hải”). Mạch xung cùng với mạch nhâm điều hành quá trình duy trì, phát triển thai, sản của phụ nữ. Những biểu hiện bệnh lý của mạch xung gồm kinh nguyệt không đều, khí hư, đái dầm, không sinh đẻ được, thoát vị, khí từ bụng dưới thông lên ngực làm đau vùng tim, tiểu tiện bí. Mạch xung có liên quan nhiều đến các bệnh bụng, ngực đau cấp, suyễn.
Mạch nhâm có nhiệm vụ điều hòa phần âm của toàn thân, cùng với mạch xung điều hành quá trình duy trì, phát triển thai, sản của phụ nữ, và có liên quan trực tiếp đến việc sinh đẻ. Mạch nhâm có liên quan nhiều đến các bệnh thoát vị (ở nam giới), khí hư, tích báng (u nang), khó hoặc không chửa đẻ được.
Mạch đốc có tác dụng điều chỉnh và gây phấn chấn dương khí toàn thân, đảm bảo sự liên hệ giữa thận với huyệt Mệnh môn để duy trì dương khí của cơ thể. Mạch đốc còn có nhiệm vụ liên lạc với kinh Can (Gan). Những biểu hiện bệnh lý của mạch đốc gồm cột sống cứng hoặc mềm yếu quá, vận động khó khăn, nếu bệnh nặng thì co cứng như uốn ván, hoặc đầu váng, lưng đau.
Mạch đới có tác dụng điều phối hoạt động của các đường kinh, làm cho chúng đi đúng đường. Đường mạch này cũng có quan hệ với kinh nguyệt. Những biểu hiện bệnh lý của mạch đới gồm bụng đầy chướng, lưng lạnh, có liên quan đến khí hư, hoặc chân teo liệt.
Các huyệt vị trên 4 mạch xung, nhâm, đốc, đới liên quan nhiều đến sinh lý, bệnh lý của phụ nữ, đặc biệt là quá trình phát dục, thai nghén và sinh sản. Do đó, trong quá trình phát triển phát dục đến lúc trưởng thành (từ 7 đến 21 tuổi), nữ giới cần chú ý trong lao động, luyện tập không tác động quá mức đến đường đi của các mạch này, làm ảnh hưởng đến chúng và đến mối liên quan giữa các kinh mạch trên cơ thể, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc về thể lực, vóc dáng, thẩm mỹ và quá trình thai sản.
Đặc biệt, đối với phụ nữ, những biến động theo chu kỳ kinh nguyệt hoặc trong quá trình chửa, đẻ, nuôi con… luôn có tác động và ảnh hưởng nhiều đến khí, huyết, tinh thần. Nếu gặp một trong những yếu tố tâm sinh lý bất thường, như thất tình hoặc phòng dục quá độ, sẽ khiến khí huyết suy tổn, gây ra bệnh tật và cũng tạo cơ hội thuận lợi cho các nguồn bệnh bên ngoài xâm nhập vào cơ thể.
BS Trần Văn Bản, Sức Khỏe & Đời Sống
 

Close [X]
1gom
1gom