500 giải đáp y học theo yêu cầu bạn đọc (phần 36)

“Nhà cháu trồng đinh lăng đã được 10 năm. Vừa rồi bố cháu đào lấy củ, thái miếng, phơi khô, hãm vào nước sôi để uống như nước chè. Xin cho biết như vậy có tốt không?”.
Cây đinh lăng (còn gọi là cây gỏi cá) có tác dụng tăng sức dẻo dai của cơ thể, chống mỏi mệt (rễ đinh lăng thái mỏng, phơi khô 0,5 g; cho vào 100 ml nước, đun sôi trong nửa giờ, chia thành 2-3 lần uống trong ngày); chữa tắc tia sữa (rễ đinh lăng 30-40 g, cho vào 1/2 lít nước, sắc còn 1/4 lít, uống nóng trong 2-3 ngày liền).
Nhiều tài liệu cũng cho biết đinh lăng có tác dụng lợi tiểu, tăng cường hô hấp, làm tăng nhẹ co bóp tử cung…
Như vậy, bố cháu có thể dùng thường xuyên “nước chè đinh lăng”, nhưng cần chú ý đến liều lượng hằng ngày nói trên.
79. Lá cây cứt lợn chữa viêm xoang
“Chúng em bị viêm xoang, chữa mãi không khỏi, mà nghe nói đến mổ lại sợ. Xin cho biết hiện đã có phương pháp nào hữu hiệu chữa khỏi viêm xoang?”.
Các biện pháp chữa viêm xoang bao gồm sử dụng kháng sinh toàn thân, chọc hút xoang kết hợp với bơm tại chỗ các thuốc kháng sinh và chống viêm. Phẫu thuật đục xoang là biện pháp cuối cùng, nhưng có khá nhiều trường hợp tái phát.
Có một loại cây dễ kiếm nhưng có thể chữa viêm xoang khá công hiệu: Cây cứt lợn (còn gọi là cây cỏ hôi, cây bù xít, cỏ cứt heo), tên khoa học Ageratum cony-zoides L., thuộc họ Cúc. Đây là một cây nhỏ, mọc hoang, cao khoảng 30-60 cm, thân có nhiều lông mềm. Lá mọc đối, hình trứng hay ba cạnh, dài 2-6 cm, rộng 1-3 cm, mép có răng cưa tròn, hai mặt lá đều có lông (khi vò ra có mùi hăng hắc, nhưng khi đun nước lại có mùi thơm, thường được một số chị em ở nông thôn dùng gội đầu). Hoa nhỏ màu tím, xanh.
Lấy một nắm lá tươi, rửa nhẹ tay cho sạch, giã nát rồi vắt lấy nước đem nhỏ vào hai lỗ mũi. Nằm ngửa chừng 10-15 phút, dưới hai vai có kê gối để lỗ mũi dốc ngược, cho phép thuốc ngấm vào xoang. Làm mỗi ngày 1-2 lần cho đến khi khỏi.
80. Uống chè hoa hoè có hại không
“Tôi nghe các cụ nói uống chè hoa hoè sẽ bị loãng tinh và không có con. Điều đó có đúng không?”.
Hoa hoè (tên khoa học Sophora japonica L.) được nhân dân ta dùng làm thuốc cầm máu khi bị ho ra máu, đổ máu cam, tiểu tiện ra huyết, trĩ chảy máu (mỗi ngày uống 5-20 g nụ hoa hoè phơi khô dưới dạng thuốc sắc). Tây y dùng chất rutin chiết xuất từ hoa hoè cho những bệnh nhân cao huyết áp để tăng cường sức chịu đựng của mao mạch.
Cho đến nay, chưa có tài liệu khoa học nào cho thấy hoa hoè gây hại cho hệ sinh dục nam nói riêng cũng như đối với các cơ quan nói chung.
(còn tiếp)
LTS: “Cuốn 500 giải đáp y học theo yêu cầu bạn đọc của tiến sĩ Lê Trọng Bổng là kết quả của việc chọn lọc, sắp xếp các thư trả lời độc giả về các vấn đề y khoa trong nhiều năm. Bằng lối diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, tác giả đã truyền đạt kịp thời những thông tin đáng tin cậy đến bạn đọc nhờ vận dụng những kinh nghiệm của bản thân, kết hợp nhuần nhuyễn với kiến thức thu nhận được từ các tài liệu trong và ngoài nước. Tiến sĩ Lê Trọng Bổng là phẫu thuật viên khoa ngoại tổng quát và phẫu thuật lồng ngực, giảng viên đại học và biên tập viên báo chí khoa học.
Sách do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành năm 2001”.

1gom