Trần Lương: ’Hãy độ lượng hơn với họa sĩ’

Tranh trừu tượng của hoạ sĩ Trần Lương.

– Anh nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng, mỹ thuật Việt Nam không có sự sáng tạo mà chủ yếu là du nhập các nền hội hoạ phương Tây và Trung Quốc?
– Họa sĩ Việt Nam, đặc biệt là hoạ sĩ trẻ đam mê sáng tạo, nên được khuyến khích. Hội hoạ nói riêng hay mỹ thuật nói chung rất cần đến sự thử nghiệm. Thử nghiệm là tốt và không thể nói những sự thử nghiệm đó đánh mất hồn dân tộc Việt. Tôi cho rằng, chúng ta phải tạo ra nghệ thuật Việt Nam mới với sức sống mới, hơn là ngồi tranh luận một cách bế tắc là tinh thần Việt ở đâu.
– Theo anh, tinh thần Việt trong tác phẩm được quyết định bởi hình thức nghệ thuật?
– Tôi quan niệm, nghệ sĩ có quyền dùng mọi hình thức nghệ thuật để thể hiện tác phẩm, thể hiện cảm xúc. Không ai có quyền đem hình thức ra để quy chụp tác giả là học đòi. Bản thân chất liệu sơn dầu là Tây phương, chứ sơn dầu đâu phải có nguồn gốc dân tộc. Hãy nhìn những phương tiện nghệ thuật bằng con mắt khách quan và tỉnh táo. Không nên lên tiếng chỉ trích phương tiện mới vì như vậy là xâm phạm tới quyền tự do sáng tạo của người nghệ sĩ.
– Thế còn về việc nhiều hoạ sĩ vì lao vào vòng xoáy thị trường mà đánh mất tính chuyên nghiệp?
– Theo tôi, nên nhìn nhận việc này một cách độ lượng. Họa sĩ Việt Nam đều từ nghèo khó ra, khi có cơ hội được kiếm tiền để sống và để tiếp tục làm nghề thì rất khó cưỡng lại. Trong hoàn cảnh của thế hệ hoạ sĩ ngày nay, với gánh nặng cuộc sống trên vai, họ có trách nhiệm phải tồn tại. Họ lao vào kiếm tiền ngay cả vẽ lại tranh của mình nếu họ nổi tiếng. Nhưng điều đó đáng thương hơn là đáng trách.
– “Mỹ thuật Việt Nam xây nhà trên cát”, anh nghĩ sao về nhận xét ấy?
– Tôi nghĩ chúng ta đang tìm cách xây dựng trên một cái móng khá vững vàng. Có xây sẽ có phát triển. Quan trọng là cần phải hiểu rõ tâm hồn Việt trong nghệ thuật Việt Nam, để có thể xây dựng một ngôi nhà mỹ thuật với bản sắc văn hoá riêng.
(Theo Thể Thao – Văn Hoá)

Close [X]
1gom
1gom