Cách mạng ở Kyrgyzstan, nhìn từ nước Nga

Dưới đây là phân tích của nhà bình luận chính trị Dmitry Kosyrev thuộc hãng thông tấn chính thức Nga RIA Novosti, về bài học rút ra cho các nước vùng Trung Á, Nga và các quốc gia khác, sau những diễn biến chóng vánh ở Kyrgyzstan.
Những câu hỏi khó cần có những câu trả lời mạnh mẽ, thậm chí là gây sốc. Những lời đáp quyết liệt thường không thích hợp cho nội dung các tuyên bố ngoại giao, nhưng đằng sau hậu trường, chắc chắn phải có một người làm việc đó.

Một người biểu tình ủng hộ tổng thống bị lật đổ Akayev trên đường phố hôm 27/3.
Một người biểu tình ủng hộ tổng thống bị lật đổ Akayev trên đường phố hôm 27/3.

Câu hỏi đầu tiên là về hệ thống chính trị với quyền lực tập trung rõ ràng vào một người hiện nay ở toàn vùng Trung Á. Thường các chế độ theo kiểu cứng rắn thường sụp đổ trong khoảng thời gian rất nhanh và để lại hậu quả nghiêm trọng cho quốc gia đó.
Trong thực tế, những ngưòi được gọi là phe đối lập hôm qua và chính phủ hôm nay ở Kyrgyzstan là đại diện cho toàn bộ giới tinh hoa chính trị ở Kyrgyzstan, những người đã từng bước, từng bước chuyển sang phe đối lập với ông Akayev dù không chủ định. Những người này vẫn có nhiều ông bạn “tay to” ở Matxcơva và các thủ đô Trung Á. Những ông bạn này muốn họ chiến thắng và lên nắm quyền. Tuy nhiên, công khai ủng hộ phe đối lập là điều không thể, bởi mọi tổ chức mà Kyrgyzstan tham gia, như Hiệp ước phòng thủ tập thể (CSTO) chẳng hạn, đều quy định cấm can thiệp vào công việc nội bộ của thành viên.
Những diễn biến ở Kyrgyzstan cho thấy rõ ràng rằng những kịch bản tương tự như thế chắc chắn diễn ra ở Trung Á, theo hướng có lợi cho các nhân vật chính trị thế lực ở khu vực này. Hiển nhiên là việc một chính phủ bị đổ sẽ gây tổn hại đến ổn định khu vực và tất cả các nước láng giềng sẽ đóng biên giới với Kyrgyzstan. Điều cần thiết hiện nay là nhanh chóng tìm kiếm một cơ chế đối thoại tin cậy về những vấn đề mà trước đây các bên chưa bao giờ nghĩ tới trong khi từng bước thả lỏng quyền lực, bởi mâu thuẫn chính trị ở các nước Trung Á không phải là giữa những người “độc tài” với những người “có tư tưởng tự do thân phương tây”.
Tuy nhiên, do truyền thống căng thẳng lâu nay trong chính giới Trung Á, đối thoại dường như là điều rất khó khăn. Đây là điều đáng tiếc, bởi cái thay thế cho đối thoại là cái không thể chấp nhận được.
Thực ra, trên thế giới cũng đã có nhiều ví dụ về chuyển giao quyền lực giữa các chính khách tai to mặt lớn một cách hoà bình mà không cần thay đổi chính phủ. Singapore hoặc Malaysia chẳng hạn, những nhà lãnh đạo các nước này vẫn công bố tên người kế nhiệm từ nhiều năm trước khi họ rời chính trường, và thường là vào thời điểm trùng với lúc đảng của họ chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Còn ở Trung Quốc, sự chuyển giao này diễn ra khi nền kinh tế khởi sắc và tăng trưởng rất mạnh.
Điều này dẫn chúng ta tới vấn đề thứ hai – kiểm soát nền kinh tế. Sai lầm của Akayev là ở chỗ ông không chỉ nắm chặt quyền lực chính trị, mà còn áp đặt một mạng lưới kiểm soát chặt toàn bộ nền kinh tế của quốc gia nhỏ bé với 5 triệu dân này. Theo chuyên gia của Viện nghiên cứu cộng đồng các quốc gia độc lập Andrei Rozogin, nền kinh tế Kyrgyzstan gồm một vài xí nghiệp thuộc quyền quản lý của những người họ hàng của Akayev; viện trợ nước ngoài cũng do một nhóm thân thiết với tổng thống quản lý; và một vài chợ bán sỉ hàng hoá của Trung Quốc cung cấp cho thị trường Trung Á. Điều hành các chợ này cũng là người của Akayev. Phần còn lại của nền kinh tế gồm các hộ nông nghiệp và kinh tế ngầm.
Những người xưa nay cho rằng mọi dòng tiền bạc ở Kyrgyzstan đều ở trong những bàn tay tin cậy đã rất ngạc nhiên khi biết được rằng thế lực kinh tế ngầm đóng vai trò quan trọng trong những diễn biến gần đây. Có thể thấy là tính cứng rắn của chế độ ở Kyrgyzstan không đảm bảo được thành công cho nó trong lĩnh vực kinh tế.
Vấn đề thứ ba là các chế độ được cho là “cứng rắn” ở Trung Á không đủ cứng rắn để giải quyết những vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Bảo vệ tính mạng và tài sản là điều quan trọng nhất đối với mỗi cá thể. Trong khi đó, ông Akayev quá tự tin vào “thiên đường dân chủ” mà ông tạo lập. Kyrgyzstan hiển nhiên là quốc gia dân chủ nhất ở Trung Á, chỉ có 20.000 binh sĩ và cảnh sát. Số lượng này không đủ sức mạnh để ngăn chặn những làn sóng người đang trong cơn giận dữ, và thông thường là những viên cảnh sát khôn ngoan liền tháo chạy khỏi cơn thịnh nộ.
Akayev đã từ chối sự trợ giúp về quân sự của Hiệp ước Phòng thủ tập thể và cũng ra lệnh không sử dụng lực lượng vũ trang để chống những người biểu tình lật đổ ông. Thực tế, quân đội của các nước láng giềng cũng trong tình trạng như ở Kyrgyzstan.
CSTO được lập ra nhằm chống những cuộc tấn công xâm lược bằng quân sự hay khủng bố. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải – gồm Nga, Trung Quốc và các nước Trung Á – cũng có mục tiêu như vậy. Vậy giới chức sẽ làm gì khi khủng bố hoặc các bè cánh kích động những phần tử quá khích trên đường phố còn họ thì ẩn mình đằng sau đám đông? Câu hỏi này chưa có lời đáp.
T. Huyền dịch

Close [X]
1gom
1gom