Một phụ nữ Palestine cùng khoảng 10.000 người khác cầu nguyện cho sức khoẻ của ông Arafat, bên ngoài khu đền Al Aqsa, hôm qua. |
Trong khi đó các quan chức Palestine công khai tuyên bố rằng việc bàn thảo đến tang lễ ông Arafat là không thích hợp, bởi vị chủ tịch 75 tuổi vẫn đang vật lộn để giành giật sự sống. Hiện Arafat hôn mê.
Một quan chức cho biết các nhà lãnh đạo Palestine hy vọng nhận được sự ủng hộ của quốc tế cho việc mai táng chủ tịch Arafat ở khu đền Hồi giáo Al Aqsa Mosque ở Jerusalem, theo truyền thuyết được xây dựng trên đống đổ nát của các ngôi đền Do Thái giáo.
Chức sắc Hồi giáo cao cấp nhất ở Jerusalem Ikrema Sabri hôm qua cho biết ông Arafat đã yêu cầu được an táng ở Al Aqsa khi hai người gặp nhau cách đây 4 tháng. Tuyên bố này là lời xác nhận chính thức đầu tiên về ước nguyện của chủ tịch Palestine đối với việc mai táng sau khi ông qua đời.
Cách thức giải quyết mối bất đồng này có thể là dấu hiệu cho biết Tel Aviv và giới lãnh đạo Palestine sẽ làm việc với nhau như thế nào trong tương lai.
Giới chức Palestine cho rằng một cử chỉ hoà giải của Israel, cụ thể là để ông Arafat được yên nghỉ ở thánh địa, có thể là một bước tiến dài trong việc xây dựng lòng tin giữa hai bên, vốn bị huỷ hoại suốt 4 năm qua. Tuy nhiên, phía Israel lo ngại rằng nhượng bộ như vậy đồng nghĩa với việc củng cố thêm tuyên bố của người Ảrập rằng thành phố này là của Ảrập và sẽ là thủ đô của Palestine trong tương lai.
Mặt khác, Tel Aviv lo ngại rằng việc để ông Arafat được an táng ở Jerusalem khiến người dân tức giận. Bộ trưởng Tư pháp Israel Yosef Lapid nói ông Arafat “sẽ không được ở thành phố này bởi đó là nơi chôn cất các nhà vua Do Thái, chứ không phải những tên khủng bố Ảrập”.
Lapid đưa ra tuyên bố trên bất chấp yêu cầu của Thủ tướng Ariel Sharon tránh xúc phạm người Palestine. Tuy nhiên ông Sharon cũng khẳng định không để ông Arafat được mai táng ở Jerusalem.
Tel Aviv tuyên bố rằng Gaza là sự lựa chọn duy nhất về nơi an táng. Ngay cả một đề xuất mang tính nhượng bộ là ngoại ô Abu Dis ở Bờ Tây, nơi có thể nhìn thấy đền Al Aqsa, cũng bị phe quân sự Israel bác bỏ. Họ phản đối việc an táng ông Arafat ở Bờ Tây, bởi lực lượng an ninh Palestine có thể gặp khó khăn khi bảo vệ số lượng lớn các chính khách nước ngoài đến dự tang lễ, nếu ông Arafat qua đời. Cảnh sát Palestine ở Gaza được đánh giá là hoạt động hiệu quả hơn. Giới chức Ai Cập cho biết họ đang cùng các đối tác Jordan và Israel bàn thảo về kế hoạch tang lễ. Dòng họ của chủ tịch Arafat có gốc gác ở Gaza, nhưng ông lớn lên ở Jerusalem và Cairo. Gia tộc Arafat có một khu mộ ở Khan Younis, phía nam Gaza. Khu này nằm giữa một khu chợ bán rau đông đúc, nên không thích hợp để an táng ông.
Một lựa chọn khác là khu “nghĩa trang chiến sĩ tử vì đạo” ở thành phố Gaza, gần trụ sở cũ của ông, nơi rất gần với Israel.
Thành viên nội các Palestine Qadoura Fares nói việc chôn cất Arafat có thể đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ Israel – Palestine. “Israel đang có một cơ hội đưa ra cử chỉ thiện chí”, ông nói. “Người Palestine sẽ theo dõi xem lãnh đạo Israel hành động như thế nào”.
T. Huyền (theo AP, AFP)