Chi phí áp dụng các quy tắc an ninh hậu 11/9/2001 trên toàn thế giới khiến nhiều hãng hàng không và sân bay giàu có tốn nhiều trăm triệu USD. Trong khi British Airways có thể bỏ ra 1 triệu USD để đào tạo an ninh mỗi năm, thì khoản ngân sách đó là giấc mơ hoang tưởng nhất với hầu hết các hãng hàng không Nga đang gặp khó khăn.
Nhà phân tích hàng không Paul Duffy ước tính, mỗi sân bay trong tổng số 25 sân bay của Nga có thể phải chi trung bình 30 triệu USD để tăng cường an ninh sau 2 vụ tấn công hồi tuần trước. “Không một sân bay nào muốn bỏ ra một khoản tiền lớn đến vậy”, Duffy nhận định.
Ở một đất nước trải rộng trên 11 múi giờ và chỉ có một tuyến đường bộ, hàng không là một ngành dịch vụ quan trọng. Tuy nhên, những hành khách chọn máy bay thay vì tàu hoả đều sợ chết khiếp.
Đặc trưng của ngành hàng không Nga thập kỷ 1990 là các máy bay tồi tàn, những hành khách nghiện rượu và thái độ không tôn trọng những quy định an toàn bay. Năm 1994, 75 người thiệt mạng trong vụ phi cơ rơi mà nguyên nhân do viên phi công để cậu con trai 16 tuổi cầm lái.
Hãng hàng không độc quyền Liên Xô Aeroflot bị chia thành hàng trăm hãng nhỏ hơn với tài chính đáng ngờ, ban điều hành không rõ ràng và “uy tín” không mấy tốt đẹp. Aeroflot, vẫn là hãng hàng không quốc tế chính của Nga và là chiếm phần lớn các tuyến bay đường dài trong nước, bắt đầu công cuộc cải tổ cách đây 3 năm. Những phi hành đoàn được dạy cách cười nói. Máy bay được sơn màu bạc, cam và xanh da trời vì công ty thay đổi nhãn hiệu nhằm loại bỏ hình ảnh là hãng hàng không đáng chế nhạo nhất thế giới.
“Họ rất dũng cảm”, Tom Austin, Phó giám đốc Idention, hãng tư vấn cho Aeroflot đóng tại London, nhận xét. “Họ nhận thức được một nhiệm vụ khó khăn trước mắt và sẽ không thể hoàn thành trong 5 phút”. Cho tới nay, các cải thiện về dịch vụ, cộng với giá cả quốc tế thấp hơn nhiều so với các hãng hàng không phương Tây, đã giúp hãng này thu hút hành khách.
Aeroflot nỗ lực còn do phải cạnh tranh trong nước, đặc biệt là từ Sibir, hãng hàng không nội địa số một đất nước. Sibir có chủ mới trong cuộc khủng hoảng tài chính 1998 và thiết lập một ban quản lý trẻ. Với những tuyến bay béo bở ở trung tâm giao thông Siberia và sau khi thu nhận đường bay tới Matxcơva của hãng hàng không Vnukovo, Sibir chở 3,5 triệu trong số 30 triệu hành khách trong năm ngoái. Tần suất khách hàng của Sibir tăng hơn 25% trong nửa đầu năm nay, trong khi toàn ngành hàng không tăng 15%/năm kể từ năm 2000.
Giống như Aeroflot, Sibir đang làm mới mình với sự giúp đỡ của các hãng tư vấn phương Tây và dự định có diện mạo mới từ tháng 11 tới. Màu trắng và màu xanh được thay thế bằng màu vàng chanh và đỏ anh đào, với hình ảnh những người đi nghỉ đang tĩnh dưỡng. Tuy nhiên, những kế hoạch đó đã bị gác lại hồi tuần trước, sau khi một trong 2 phi cơ bị rơi (Tu-154) do khủng bố là của Sibir. Các nhà điều tra phát hiện dấu vết chất nổ trên xác máy bay. Nhà chức trách ngày càng nghi ngờ thủ phạm là nữ đánh bom tự sát Chechnya có mặt trên máy bay. “Chúng tôi phải làm tất cả những gì có thể để giúp người nhà nạn nhân, sau đó mới có thể nghĩ tới những chương trình dang dở”, người phát ngôn Sibir Ilya Novakhadsky cho biết.
Vụ phi cơ rơi là điều rủi thứ hai của Sibir trong những năm gần đây. Ba năm trước, một máy bay của hãng bị rơi do đâm phải tên lửa Ukraina bị lạc trong khi tập trận, làm toàn bộ 78 người trên khoang thiệt mạng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các hãng hàng không lớn của Nga sẽ vượt qua khó khăn và hành khách sẽ tiếp tục lựa chọn họ. Đáng lo ngại hơn là tương lai của những hãng hàng không nhỏ. Rất nhiều trong số này chịu sức ép từ các chính quyền khu vực phải tiếp tục bay dù doanh thu không bù đắp được chi phí. Một số người lo ngại điều này sẽ làm các hãng nghèo cắt giảm chi phí bảo dưỡng. “Vấn đề là bảo dưỡng”, Timothy McCutcheon, nhà phân tích cao cấp ngân hàng đầu tư Aton, Matxcơva, nói. “Các hãng nhỏ không có đủ vốn để chi những khoản như vậy”. Không có hệ thống cho thuê máy bay và bản thân các nhà sản xuất trong nước cũng đang vật lộn với khó khăn, việc mua máy bay mới gần như là không thể.
Hồi đầu mùa hè năm nay, Yuri Koptev, quan chức cao cấp Bộ Công nghiệp và Năng lượng, cảnh báo khả năng một cuộc khủng hoảng vào năm 2006-2007 vì máy bay thì ngày càng lỗi thời trong khi các quy định quốc tế về tiếng ồn, khói sẽ có hiệu lực. Khoảng 75% phi cơ Nga là kế thừa từ thời Liên Xô.
Nguyễn Hạnh (theo AP)