Tiêu cực ở Petro VN: Lãng phí lớn ở dự án cảng Thị Vải

nm,
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những sai phạm nói trên là do Petro Việt Nam sai lầm khi chọn Công ty Thiết kế xây dựng dầu khí (PVECC) làm tổng thầu. Công ty này thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong tổ chức quản lý việc thực hiện một dự án lớn. Nhưng mặt khác, có nhiều việc Petro Việt Nam đã can thiệp trực tiếp đến các thầu phụ không qua tổng thầu và thiếu phối hợp đồng bộ, làm kéo dài thời gian thi công, chậm trễ trong thanh quyết toán. Petro Việt Nam còn chọn các thầu phụ không có chức năng, không có giấy phép hành nghề khảo sát thiết kế và không đủ năng lực thi công các hạng mục công trình… làm kéo dài tiến độ thực hiện dự án và phát sinh nhiều vấn đề về chi phí đầu tư.

Công trình tuyến ống, kho cảng Thị Vải là một công trình nằm trong dự án hệ thống thu gom, vận chuyển khí từ mỏ Bạch Hổ đến Thủ Đức, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1992.
Những sai phạm về việc sử dụng tư vấn giám sát, giám định – cấp chứng chỉ quốc tế. Petro Việt Nam chọn nhà tư vấn giám sát Bres với giá trúng thầu hơn 3,93 triệu USD, nhưng do phải kéo dài thời gian thi công gói 2 (tuyến ống, kho, cảng Thị Vải) nên đã phát sinh chi phí cho tư vấn Bres thêm 3,81 triệu USD (tổng số tiền tư vấn giám sát hơn 7,74 triệu USD). Mất nhiều tiền là vậy mà chất lượng gói 2 không đảm bảo với các sự cố: sụt, lún nền, móng gối đỡ; ống công nghệ, thiết bị công nghệ không đồng bộ; lắp đặt kết nối – giao diện giữa các hạng mục với nhau gặp nhiều trục trặc, phát sinh nhiều chi phí. Tuy nhiên, tư vấn Bres đã đứng ngoài cuộc không chịu trách nhiệm gì về vật chất.
Chưa hết, nhà tư vấn giám định chất lượng – cấp chứng chỉ quốc tế LRIS đã không làm đầy đủ các phần việc theo hợp đồng nhưng vẫn được thanh toán tiền, thậm chí còn được nâng từ mức 353.159 USD lên 543.125 USD. LRIS giám sát việc chế tạo một số thiết bị, phụ kiện những công trình này đều không đảm bảo chất lượng như. 51 chiếc đầu bồn Bullets bị khuyết tật trong quá trình chế tạo vẫn được đưa về sử dụng lắp đặt; các van Vigro chế tạo có nhiều lỗi, không được thử kín 100% vẫn được lắp đặt. Cơ quan chức năng xác định việc Petro Việt Nam sử dụng tư vấn giám định chưa có hiệu quả và có phát sinh tăng chi phí nhưng không báo cáo Chính phủ là sai quy định.Nhưng sai phạm lớn nhất của dự án thuộc về khâu khảo sát địa chất công trình khu vực Thị Vải và sai phạm trong thiết kế san nền. Trong 23 hố khoan thẳng đứng trên diện tích 40 ha chỉ có 1 hố khoan nằm ở trung tâm tọa độ. Cơ quan chức năng xác định các hố khoan này không phù hợp với mặt bằng để thiết kế thi công kho, cảng Thị Vải, do vậy đã xảy ra tình trạng sụt lún nền công trình khá lớn (từ 1,98 đến 2,85 m) không kiểm soát được trong xây dựng. Một trong các nguyên nhân làm sụt lún nền công trình là do các nhà thầu phụ làm “ẩu”, đã đưa một khối lượng vật liệu có nhiều tạp chất vào san lấp công trình với trên 46% là đất đỏ, cát lẫn tạp chất không đạt tiêu chuẩn. Sai lầm nghiêm trọng thuộc về đơn vị thiết kế. Đánh giá về sự cố nghiêm trọng nói trên, tiến sĩ Đoàn Thế Tường (Viện Khoa học công nghệ xây dựng) xác định: “Kho cảng Thị Vải được xây dựng trên khu đất san lấp bằng cát dày chừng 3,5 m. Do có mặt lớp đất yếu dày tới 15-20m, nền được xử lý bằng “bấc thấm” nhằm tăng nhanh quá trình cố kết của chúng, nhưng chỉ xử lý trong các khu vực nhất định. Hiện tượng lún của các công trình trong kho đã phát hiện ngay trong quá trình lắp đặt thiết bị và công trình cần thiết phải được chống lún toàn diện để tránh nguy cơ rò rỉ khí gây cháy nổ do lún các tuyến ống và cáp. Công tác cứu chữa dự tính sẽ tiêu tốn tới trăm tỷ đồng”. Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư vì đã chọn đơn vị thiết kế không đủ khả năng, không thông hiểu cặn kẽ hiệu quả của phương pháp xử lý nền và phương thức xử lý nền cục bộ không phù hợp với điều kiện làm việc của phức hệ công trình…Vẫn về sự cố lún, một kỹ sư cho biết: “Dự án kho cảng Thị Vải được đặt trên mặt bằng có mặt cắt địa chất phức tạp (tầng bùn sâu dày 16-22 m). Bởi vậy nhiệm vụ ở đây là phải làm cố kết lớp bùn đó đến một độ cố kết làm cho nền móng của công trình ổn định, không còn lún sụt nữa, chỉ khi đó ta mới đặt móng công trình lên nền đất này. Do vậy phải trải vải địa kỹ thuật, đổ một lớp cát thô dày 3 m để gia tải cho nền đất, bấc thấm toàn bộ mặt bằng 10 ha, đặt các thiết bị quan trắc theo dõi lún. Nhưng không hiểu vì sao, người ta đã cắt toàn bộ phần bấc thấm đã thiết kế mà chỉ để lại phần bấc thấm ở các khu vực đường trong công trình. Đây là một quyết định sai lầm”.
Ngày 4/10/1997, công trình đường ống, kho, cảng Thị Vải (gói 2) chính thức được khởi công và phải mãi tới 15/4/2001. Tức là sau 44 tháng mới hoàn thành, chậm so với thời gian dự kiến tới 24 tháng, trong đó có đến 10 tháng công trình phải tạm dừng để… khắc phục sự cố lún. Dự tính chi phí cho việc “khắc phục sự cố” này lên đến khoảng 60 tỷ đồng. Việc kéo dài thời gian thi công thêm 24 tháng đã làm tăng chi phí lãi vay ngân hàng gần 30 tỷ đồng, “đội” chi phí ban quản lý dự án thêm 8,2 tỷ đồng, cũng như Nhà nước mất thêm 4,24 triệu USD tiền thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài cho công trình trong khoảng thời gian “dôi ra” này… Chỉ mới tính toán bước đầu, con số lãng phí đã được cơ quan thanh tra xác định lên đến 4,24 triệu USD và 50,2 tỷ đồng.
Nguyên nhân nào khiến dự án phải kéo dài? Theo giải trình của ông Vũ Đình Chiến (Giám đốc Công ty Chế biến và kinh doanh các sản phẩm khí) với lãnh đạo Petro VN, việc chậm trễ có ở cả ba khâu thiết kế, mua sắm thiết bị và thi công xây lắp.
Không chỉ “vượt” về thời gian thi công, công trình LPG Thị Vải còn… lập thành tích “vượt” về nhiều thứ khác. Trong đó đáng lưu ý là khoản chi phí đầu tư vượt dự toán 14 triệu USD so với tổng dự toán tạm tính được Chính phủ phê duyệt. Cơ quan thanh tra xác định hàng loạt sai phạm về tài chính trong thực hiện công trình này, đề nghị xử lý thu về ngân sách nhà nước hơn 134 tỷ đồng. Riêng quyết toán sai định mức đơn giá, thanh quyết toán hơn chứng từ đã ngót nghét 2 tỷ đồng.
Một vấn đề khác liên quan đến sử dụng kinh phí đầu tư cho dự án là việc mua thiết bị, vật tư – nơi thanh tra phát hiện có những dấu hiệu không minh bạch, bớt xén của công. Tổng thầu trực tiếp thi công, lắp đặt thiết bị thì không được trực tiếp đàm phán, ký hợp đồng nhập khẩu mà nhất nhất thông qua “người anh em” Công ty Thương mại dầu khí theo phân công của Petro VN.
Điều này dẫn đến việc nhiều vật tư bị nhập… thừa, trong khi cái thiếu vẫn… thiếu. Hàng loạt thiết bị sai quy cách, không đồng bộ, nguồn gốc xuất xứ từ nước đang phát triển (trong khi yêu cầu đặt ra là hàng chất lượng cao từ các nước phát triển). Trong 2.800 van các loại của công trình, có tới 500 van phải sửa chữa, ngốn hết 34.160 USD, chưa kể khoản tiền phải bỏ ra mua phụ tùng thay thế khoảng 86.300 USD nữa…
Theo một nguồn tin, thiết bị đo hiệu chỉnh đường ống xuất gas khí lỏng trị giá 68.000 USD, do tổng thầu cung ứng sau khi vận hành chưa bao lâu đã hư hỏng, nên hiện phải thuê của một đơn vị giám định mỗi ngày tốn hàng tỉ đồng.
Nhưng nghiêm trọng hơn hết là hiện nay công trình đang hoạt động trong tình trạng còn nhiều tồn đọng, cần phải khắc phục. Tuyến ống, kho, cảng LPG Thị Vải được đưa vào nghiệm thu khai thác vận hành từ ngày 7/8/2001 với 162 sự cố tồn đọng. Đến tháng 8/2002, khi Hội đồng nghiệm thu nhà nước đến kiểm tra, đã phát hiện vẫn còn 29 tồn đọng. Công trình chưa được cấp chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế do còn các tồn đọng về công nghệ.
(Theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ)

1gom