Thủ tướng Ahern bỏ phiếu. |
“Nhân dân đã đưa ra quyết định và chúng tôi phải tôn trọng điều đó”, Phó Thủ tướng Ireland, Mary Harney bình luận.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy việc sáp nhập 12 thành viên mới, chủ yếu là các nước Đông Âu. “Các quốc gia thành viên và Uỷ ban sẽ theo đuổi những thương thuyết về việc mở rộng khối, đúng như cam kết với các nước xin gia nhập”, Thủ tướng Thuỵ Điển Goran Persson và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Romano Prodi nhận định trong một tuyên bố chung.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất trong lịch sử Ireland: 32,9% (trong đó, 46% ủng hộ và 54% phản đối). Thủ tướng Bertie Ahern tỏ ra rất thất vọng vì sự lãnh đạm của dân chúng.
Các đảng phái chính và Nhà thờ Thiên Chúa giáo La Mã tán thành hiệp ước, cho rằng nó sẽ đảm bảo hoà bình và ổn định ở châu Âu. Còn những người phản đối, như Đảng Xanh, Sinn Feins, Đảng Xã hội và nhiều nhóm tôn giáo, lại lo ngại Ireland sẽ mất đi nguồn trợ cấp hào phóng của EU, nếu có thêm các thành viên nghèo hơn trong khối. Hơn nữa, phê chuẩn hiệp ước cũng buộc Ireland phải tham gia vào Lực lượng Phản ứng nhanh, điều mâu thuẫn với quan điểm trung lập của nước này.
Ngoài các vấn đề trên, Hiệp ước Nice còn xoay quanh việc thay đổi tiến trình ra quyết định của EU, quyền phủ quyết của các nước, phân chia lại số phiếu bầu trong Nghị viện châu Âu và Hội đồng các bộ trưởng.
Sau quyết định của Ireland, các quan chức EU cho biết một số khoản trong hiệp ước sẽ phải thương thuyết lại.
Minh Châu (theo BBC, 9/6)