Bệnh đau đầu từng chuỗi

fr
Chứng đau đầu từng chuỗi khiến bệnh nhân khổ sở.

Cơn đau thường xảy ra sau bữa ăn hoặc ban đêm. Khởi đầu, đau khu trú một bên ở vùng mặt, hố mắt hoặc thái dương – hố mắt, sau đó lan vào răng, tai, cổ hoặc vai cùng bên (nhưng khu vực đau không trùng hợp với khu vực đau của dây thần kinh số 5). Đau tăng lên rất nhanh, dữ dội như bị dứt thịt, bỏng rát ở sâu làm bệnh nhân không chịu nổi, vật vã, đứng ngồi không yên, có khi phải lấy tay tự đập vào mặt hoặc bóp nắn thái dương.
Trong cơn đau, người bệnh có cảm giác ngạt mũi, chảy nước mũi, nước mắt, đỏ gò má, ra mồ hôi ở một bên mặt, động mạch thái dương nổi và đập mạnh ở cùng bên đau; đôi khi còn bị sụp mi, giãn đồng tử. Khi đau, bệnh nhân không sốt, không buồn nôn, khi hết cơn đau lại hoàn toàn bình thường. Những kích thích ở vùng mặt như rửa mặt, cạo râu hoặc gắng sức không làm khởi phát cơn đau hoặc làm đau nặng lên. Chỉ một yếu tố duy nhất có vai trò khởi phát cơn đau được biết đến, đó là uống rượu.
Cơn đau thường kéo dài từ 20 phút đến 2 giờ, hiếm khi vượt quá 4 giờ; trung bình xuất hiện 1-3 cơn mỗi ngày, lặp lại thành “từng chuỗi” trong vòng 2-8 tuần. Sau đó, cơn đau biến mất trong vòng nhiều tháng hoặc nhiều năm, rồi đến một lúc nào đó lại xuất hiện với nhịp độ và tính chất giống như trước kia. Chỉ một số ít trường hợp tiến triển thành mạn tính với các cơn đau hằng ngày, rất khó điều trị.
Một số trường hợp đau mặt do nguyên nhân thực thể khác cũng có nét giống bệnh này. Vì vậy, cần phải khám thần kinh thật kỹ và nếu cần, phải khám thêm ở chuyên khoa mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng để chẩn đoán phân biệt và loại trừ các chứng bệnh nguy hiểm khác (như đau dây thần kinh số 5 thứ phát do các khối u ở sọ hầu, bệnh tăng nhãn áp, bệnh đau nửa đầu, các bệnh lý mũi xoang, viêm nhiễm ở răng miệng, chứng đau thần kinh hố mắt dưới…).
Về điều trị, chủ yếu là áp dụng các phương pháp nội khoa. Có thể cắt cơn đau bằng các thuốc giảm đau không steroid thông thường như Indome-thacine, aspirin, paracetamol, diclophenac… Nếu không đỡ thì dùng các thuốc điều trị đau nửa đầu như dẫn xuất của ergotamin (Gynergen, Mig-well), thuốc chẹn calci (Sibelium), thuốc kháng serotonin (Désernil, Sanmigran). Ngoài ra, có thể cắt cơn bằng cách cho bệnh nhân ngửi ôxy nguyên chất 8-10 lít/ phút trong vòng 10 phút, hoặc gây tê hạch bướm khẩu cái bằng cocaine – phenol.
Để điều trị dự phòng, trước hết bệnh nhân phải kiêng rượu (vì rượu là yếu tố khởi phát cơn đau), đồng thời dùng các thuốc điều trị đau nửa đầu như đã kể trên. Ngoài ra, người ta còn dùng thuốc lithium, corticoide ở giai đoạn đầu của cơn đau hoặc ở các bệnh nhân bị đau mạn tính. Những thuốc trên có nhiều tác dụng phụ nên phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Việc điều trị bằng phẫu thuật cho kết quả không chắc chắn nên ít được đề cập đến. 
BS Nguyễn Thế Anh, Sức Khỏe & Đời Sống

Close [X]
1gom
1gom