Vỏ ngô làm nên cơ đồ

Chị Lê Thị Hồng Hoa, chủ cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Hoàng Cung kể lại, lần đầu tiên tham gia hội chợ, thấy sản phẩm của cơ sở mình được khách hàng yêu thích chị mừng lắm. Nhất là khi có một doanh nghiệp Hàn Quốc tìm tới gian hàng yêu cầu ký hợp đồng giao những chiếc cặp tóc làm từ vỏ ngô cho đơn vị của ông. Cùng lúc các đơn vị khác tham gia hội chợ cũng đến đề nghị tôi bán hết sản phẩm cho họ. “Vui nhưng tôi không dám nhận đơn đặt hàng này vì lúc ấy tôi chỉ có một thầy 1 thợ, sợ rằng mình không kham nổi số lượng hàng quá lớn này. Hơn nữa, mục đích tôi tham gia hội chợ là để thăm dò thị trường tiếp thu ý kiến của khác hàng”, chị nói.
Nhờ bước khởi đầu suôn sẻ này mà các sản phẩm mang tên Hoàng Cung của chị đang được thịnh hành tại các cửa hàng tranh ở TP HCM. Theo chị, dòng sản phẩm này thích hợp với mọi người, mọi giới từ người có thu nhập thấp cho đến cao. Bởi Hoàng Cung có đầy đủ các sản phẩm với nhiều loại giá, từ những mặt hàng giá trị chỉ dăm 3 nghìn đến những bức họa giá vài trăm nghìn. Những chiếc cặp tóc, những đóa hoa khô làm từ ngô rất được các em nữ sinh trung học ưa thích. Mỗi dịp mừng tân gia, sinh nhật hay lễ hội… tặng quà cho bạn bè hay người thân, khách hàng thường chọn tranh hoa thương hiệu Hoàng Cung.
Vỏ ngô, cỏ khô, lá chuối khô, lục bình… là rác thả nông nghiệp. Tuy nhiên, dưới cái nhìn của chị Hồng Hoa, chúng là nguyên liệu để sản xuất ra nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm đẹp cho giới nữ và những bức tranh hoa mang tính nghệ thuật cao có một không hai tại VN.
Khi mới lên 12 tuổi, Hồng Hoa đã bộc lộ tài khéo tay bẩm sinh của mình. Với đôi tay khéo léo chị thường đi tới các nhà may xin vải vụn về nhà kết hoa hồng bằng vải để bày trong nhà hoặc tặng bạn bè trong lớp. Những đóa hoa vải do Hồng Hoa làm ra ngày càng trở lên tinh xảo, trông như hoa thật, rồi 1 hôm có người hỏi cô tại sao không làm hoa vải để bán?
Thế là chị quyết định mang hoa vải của mình tới các cửa hàng ở thị xã Long Xuyên chào bán. Trong một lần về quê chơi, chị nhìn thấy những ruộng ngô bị ngập chìm trong cơn mưa, nhờ có lớp vỏ bên ngoài mà những hạt ngô bên trong không hề bám nước. Ý tưởng dùng vỏ ngô đan nón lại lóe lên trong đầu. Thế là chị quyết định dùng vỏ ngô để bện thành nón bán, Nón ngô của chị được bạn bè và vài cửa hàng ở chợ Long Xuyên đón nhận của với sản phẩm hoa vải.
Nhiều lần chị cũng muốn “dứt tình” với những sản phẩm này, nhưng rồi lại cảm thấy “bỏ thì thương vương thì tội”. Thế là nó theo chị suốt mười mấy năm liền. Đến một hôm, dọn dẹp ngăn tủ chị lại thấy cái túi bằng vỏ ngô qua chừng ấy năm vẫn không bị mối mọt cắn phá, chỉ ngả màu hơi sẫm một chút trông rất đẹp.
Từ đó chị không dùng vải vụn làm nguyên liệu chính cho sản phẩm của mình nữa mà đổi hẳn sang nguyên liệu bằng vỏ ngô. Khi đã quen thuộc với nguyên liệu này, chị càng phát hiện ra nhiều ưu điểm của nó cùng những vật liệu thú vị khác như: lá chuối khô, cỏ khô, lá cây khô, gương sen khô…
Tuy nhiên, chị chỉ sản xuất nhỏ để bán tại một sạp bán lẻ ở chợ Long Xuyên. Một hôm có đoàn khách du lịch Nhật Bản tới xã Long Xuyên tham quan, sau khi họ thấy dòng sản phẩm kẹp tóc, hoa khô, hoa cài áo… làm bằng vỏ ngô, họ hoàn toàn bất ngờ và bị những mặt hàng xinh xắn này thuyết phục. Họ mua tất cả các hòa cài áo và các loại cặp tóc trong hôm ấy. Tiếp theo là các du khách đến từ Mỹ, Pháp, Australia… mỗi khi đến Long Xuyên họ đều mua sản phẩm này làm quà lưu niệm.
Như được tiếp sức, chị quyết định đến Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh An Giang xin thử tay nghề, được chấp nhận, chị mang sản phẩm của mình đi tham gia các kỳ hội chợ. Từ ấy đến nay, sản phẩm của chị luôn được giới tiêu dùng đánh giá cao. Trong năm 2004, tại cuộc thi sáng tạo kiểu dáng sản phẩm do phòng thương mại và công nghiệp VN phối hợp với Bộ công nghiệp tổ chức, tranh của cơ sở sản xuất Hoàng Cung là một trong số 11 tác phẩm thuộc lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ của cả nước đã lọt vào vòng chung khảo giải “Golden V”.
(Theo TBKTVN)

Close [X]
1gom
1gom