Cần cảnh giác với các khối u ổ bụng ở trẻ

Bác sĩ Trần Chánh Khương, Trưởng khoa Ung bướu nhi Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết triệu chứng điển hình ở bệnh nhi có u trong ổ bụng là bụng to, biếng ăn, suy nhược. Các loại u ổ bụng thường gặp là u gan, u thận, u thượng thận và u tế bào mầm.
– U gan: Ở trẻ dưới 5 tuổi, loại u gan thường gặp là u nguyên bào gan. Còn ở trẻ trên 10 tuổi, u gan thường xuất hiện do trẻ nhiễm virus viêm gan B khi còn bé (vì vậy, có thể dự phòng u gan bằng cách tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh). Khi u còn nhỏ và khu trú, khả năng điều trị khỏi khá lớn (bằng cách mổ lấy trọn khối u).
– U thận: 90% là u nguyên bào thận (còn gọi là u Wilms). Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ; một số trường hợp có thể do đột biến gene. Phương pháp điều trị chủ yếu hiện nay là cắt bỏ thận có u và hóa trị sau mổ. Tình trạng bệnh nhân được cải thiện rõ rệt sau điều trị. Nếu u nhỏ và còn khu trú thì 90% trường hợp có thể khỏi bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ tái phát rất cao.
– U thượng thận: Đa số là u nguyên bào thần kinh. Khoảng 70% trường hợp được phát hiện muộn, khi u đã lớn hoặc di căn đến tủy xương. Vì vậy, việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn.
– U tế bào mầm: Thường xuất hiện ở buồng trứng bé gái và tinh hoàn bé trai, chưa biết rõ nguyên nhân gây bệnh. Nếu được phát hiện sớm, 80% trường hợp có thể được chữa khỏi (cắt bỏ u, sau đó áp dụng hóa trị).
Ở giai đoạn sớm, u ổ bụng dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh về tiêu hóa. Các loại u này lại phát triển rất nhanh, chỉ sau 1-2 tháng kể từ khi trẻ có dấu hiệu đầu tiên, u đã lớn đến mức có thể sờ thấy. Vì vậy, đa số bệnh nhân được phát hiện bệnh và điều trị ở giai đoạn muộn, khi u đã lớn.
Để tăng khả năng khỏi bệnh, bác sĩ Trần Chánh Khương khuyên rằng, khi thấy con bụng to bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay khoa ngoại nhi hay ung bướu để khám và chữa bệnh. Thời gian điều trị trung bình là 6 tháng, chi phí 10-15 triệu đồng.
(Theo Người Lao Động)

1gom