Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) vừa có công văn gửi Bộ Y tế thông báo về tình trạng quá tải trong thời gian qua. Theo đó, năm 2002, tổng số ca mổ tại bệnh viện là 18.400 ca, vượt kế hoạch trên 10.000 ca. Trong 6 tháng đầu năm nay, bệnh viện đã mổ cho 8.500 trường hợp, vượt kế hoạch cả năm (8.000 ca). Số giường bệnh kế hoạch là 400, nhưng công suất sử dụng thực tế luôn là 120-150%. Do sự quá tải vượt xa kế hoạch như vậy nên bệnh viện đã lạm chi cả nguồn trích thưởng 4% viện phí để sử dụng cho hoạt động chuyên môn.
Theo Bộ Y tế, tình trạng quá tải hiện xảy ra ở hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương. Trong đó, các bệnh viện chuyên khoa như ung thư, chấn thương chỉnh hình, nhi… quá tải nặng nề hơn cả. Có nơi số bệnh nhân đến khám chữa bệnh vượt quá 150% công suất bệnh viện.
Tuổi Trẻ
Tính đến cuối tháng 8, số nhiễm sốt xuất huyết ở Cần Thơ đã lên tới 450 ca, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân của tình trạng này là sự thay đổi loại virus gây bệnh, đại bộ phận nhân dân chưa chủ động diệt muỗi, bọ gậy, vệ sinh làm sạch môi trường sống.
Để chủ động phòng chống bệnh truyền nhiễm (nhất là bệnh sốt xuất huyết, có khả năng bùng phát thành dịch vào mùa mưa), UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các cơ quan chức năng chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư chuyên dụng, lực lượng cán bộ… và thường xuyên vệ sinh làm sạch môi trường.
Thanh Niên
Ông Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Dược phẩm, cho biết, dự kiến năm 2003, các doanh nghiệp dược trong nước sẽ xuất khẩu được số hàng trị giá 25-30 triệu USD (các năm vừa qua chỉ xấp xỉ 20 triệu USD/năm), bằng khoảng 5% so với kim ngạch nhập khẩu dược phẩm.
Dược phẩm Việt Nam hiện có mặt ở Nga, các nước thuộc SNG, nhiều nước châu Á và châu Phi. Các doanh nghiệp cũng đang tiến đến nhiều thị trường mới khó tính như châu Âu, châu Mỹ.
Tuổi Trẻ