Thoả thuận tăng ca để lách luật

Luật quy định người sử dụng lao động và lao động có thể thỏa thuận làm thêm không quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm. Thế nhưng ở Công ty Eland (quận 9, TP HCM), công nhân thường xuyên làm vượt mức trên. Theo cách lập luận của đơn vị này, họ không làm trái luật bởi công nhân đã ký vào bản tự nguyện xin tăng ca.
Thực tế, các công nhân đã không hề “tự nguyện”, mà họ phải đặt bút ký vì doanh nghiệp quy định công nhân không tăng ca sẽ bị hạ bậc thi đua cuối năm. Thậm chí, không chấp nhận làm thêm giờ, họ còn có thể bị đuổi việc. Ngày 5/4 vừa qua, 7 công nhân tổ cắt đã bị đuổi việc vì phản đối yêu cầu làm thêm giờ 2 ngày trước đó.
Nhiều doanh nghiệp khác, đặc biệt ở các ngành may, giày da cũng bị hợp thức hóa việc tăng ca trái phép như vậy. Như Công ty May I Gem, ông chủ làm sẵn bản thỏa thuận, khi chuẩn bị tăng ca thì buộc công nhân ký vào. Ai phản đối thì bị dọa sẽ không được ký tiếp hợp đồng lao động. Kết quả, công nhân ở đây thường xuyên phải làm việc từ 7-8h sáng đến 21h khuya.
Ông Nguyễn Hiếu Đức, Chánh thanh tra lao động TP HCM cho biết: “Nhiều công nhân phải làm việc hàng nghìn giờ mỗi năm như vừa qua là vi phạm luật Lao động, cho dù họ đã ký thoả thuận làm thêm giờ với doanh nghiệp”. Còn các doanh nghiệp thì có cách bao biện cho việc này. “Khi công ty chưa chủ động được thị trường, tăng ca là điều khó tránh”, ông Ngô Trung Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 2 giải thích. Còn ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Đại Sơn thì nói: “Khi sắp đến thời hạn giao hàng, bắt buộc phải tăng ca. Biết ép buộc người lao động tăng ca là sai, song chúng tôi không còn cách nào khác”.
Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp đã khóc dở mếu dở vì bị người lao động đẩy vào thế kẹt. Như Công ty may Minh Tâm, quận 4, TP HCM, ban đầu công nhân đồng ý tăng ca để đảm bảo thời hạn giao hàng cho đối tác. Thực hiện chưa lâu thì người lao động phá vỡ cam kết vì không đồng ý với đơn giá gia công. Kết quả, doanh nghiệp trễ hàng, bị đối tác phạt tiền vận chuyển. Tại một công ty gia công giày ở Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương, do bữa ăn giữa ca không vừa miệng, trên 200 công nhân ngưng tăng ca. Công ty phải bồi thường hơn 10.000 USD và bị đối tác cắt hợp đồng gia công.
(Theo Người Lao Động)
 
 

1gom