Theo quy định của Bộ luật hình sự, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, trong quá trình điều tra, xét xử, nếu nghi ngờ người phạm tội có dấu hiệu tâm thần, cơ quan tố tụng phải trưng cầu giám định của cơ quan giám định pháp y tâm thần về tình trạng của bị can, bị cáo. Thế nhưng nhiều vụ án, việc giám định cho ra các kết quả khác nhau. Như vụ Trần Thu Hồng, nguyên trạm trưởng chế biến cung ứng hàng xuất khẩu (Công ty Lương thực TP HCM), ban đầu, vì cho rằng Hồng bị tâm thần nên cơ quan công an tạm đình chỉ điều tra, cho đi trị bệnh. Sau đó giám định lại thì lại cho kết quả bình thường. Hồng bị xử phạt 20 năm về tội tham ô, cố ý làm trái, đưa hối lộ… Nhưng khi thi hành án, bị cáo lại đi giám định, cho kết quả tâm thần, và được thả về sống ung dung ngoài vòng pháp luật.
Phó chánh tòa hình sự TAND thành phố Nguyễn Đức Sáu, cũng nêu trường hợp bản án bị đảo lộn vì kết luận giám định với bị cáo Tài Văn Xá, kẻ dùng dao đâm chết cả gia đình bạn. Ban đầu, kết quả giám định cho thấy Xá không bị thâm thần, TAND TP đã tuyên phạt Xá tử hình. Nhưng đến phiên phúc thẩm, TAND Tối cao nghi ngờ về sức khỏe bị cáo, đã trưng cầu giám định pháp y tâm thần lần nữa, cho kết quả, Xá mắc bệnh tâm thần (hậu quả của bệnh lý do say rượu). Vì vậy, tòa phúc thẩm đã tuyên Xá không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyền, giám định viên trưởng Tổ chức Giám định pháp y và pháp y tâm thần TP HCM, thừa nhận: “Có nhiều vấn đề mà cơ quan giám định pháp y không thể kết luận chính xác”. Như để xác định độ tuổi, cơ quan pháp y phải căn cứ vào sự phát triển của răng và xương hàm. Nhưng có trường hợp, hai bộ phận này không phát triển bình thường, nên kết quả giám định chỉ có thể xác định tuổi ở “một khoảng” nào đó. “Nói chung phải chấp nhận có sai lệch nhất định. Tòa án phải căn cứ thêm các chứng cứ khác để kết luận”, ông Tuyền nói.
Về tình trạng kết quả giám định thương tật mỗi lần một kết quả, bác sĩ Tuyến cho biết, giám định ngay lúc mới bị thương thì độ chính xác cao hơn, và thường thì giám định về sau sẽ cho tỷ lệ thương tật thấp hơn. Bác sĩ cũng cho biết, tiêu chuẩn giám định hiện chưa rõ, như nồng độ rượu trong máu thế nào thì gọi là say rượu, mất ý chí… Ngoài ra, tiêu chuẩn giám định vẫn dựa vào tài liệu chung của thế giới, không phù hợp với thể trạng người Việt.
(Theo Tuổi Trẻ)