Phòng tranh Phạm Mùi – điểm hẹn cùng Trịnh Công Sơn

Bức Đôi bạn Trịnh Công Sơn – Khánh Ly.

Tình yêu nhạc Trịnh đến với họa sĩ từ những năm chiến tranh. Ca từ đẹp và thơ đến lạ kỳ trong nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn đã ám ảnh trong tâm trí Phạm Mùi. Ông tâm sự: “Mỗi khi cầm cây đàn guitar trên tay, hát Như cánh vạc bay hay Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…, tôi lại thấy hiện lên trước mắt mình một thế giới hình ảnh đầy màu sắc và đường nét, muốn cầm cọ để vẽ ra và kiếm tìm sự đồng cảm với ông”. Chàng trai trẻ ngày nào luôn tâm đắc với những lời “dạy” rất đời của nhạc sĩ: “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”. Sau lần gặp và làm việc cùng nhạc sĩ khi Trịnh Công Sơn khi thực hiện ca khúc cho Đứa con rơi – bộ phim do Phạm Mùi viết kịch bản và thiết kế mỹ thuật, sự cảm mến tài năng và tâm hồn Trịnh đã thôi thúc anh cầm bút.

Bức Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ Văn Cao.
Bức Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ Văn Cao.

Sau ngày định mệnh 1/4/2001, khi Trịnh Công Sơn giã biệt cõi tạm để về với vĩnh hằng thì ý tưởng ấy hiện hình rõ nét hơn trong Phạm Mùi. Cảm giác hẫng hụt như mất đi một cái gì đó rất thiêng liêng đã khiến anh phải trăn trở nghĩ suy, có lúc trắng đêm thao thức trong xưởng vẽ. Anh vẽ cho chính mình và cho ước nguyện làm một cái gì có ý nghĩa cho người nhạc sĩ quá cố.
65 bức tranh, chủ yếu sử dụng chất liệu màu dầu và màu nước là sự tái hiện các nhạc phẩm của Trịnh theo cảm nhận rất riêng từ Phạm Mùi. Thấp thoáng gương mặt của tình yêu qua nét vẽ phóng khoáng trong “Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng cỏ buồn khô”, có sự cô đơn trống trải đến rợn ngợp trong “Ngày mai em đi, biển nhớ em quay về nguồn”. Tác giả tạo nên không gian xa và sâu thẳm trong “Tôi tìm thấy tôi trong từng gót xa”. Cuộc sống của Trịnh Công Sơn hiện lên trong tranh rất đỗi đời thường, từ một nụ cười hóm với người bạn tri kỷ Bửu Ý, Văn Cao, gương mặt rạng ngời hạnh phúc của Trịnh bên Khánh Ly, cô em gái Trịnh Vĩnh Trinh. Họa sĩ đi vào tận cùng nỗi cô đơn, trống trải của tâm hồn nhạc sĩ qua những gam màu vàng úa nhợt nhạt trong bức Trịnh Công Sơn – những ngày sắp giã từ nhân thế.

Bức chân dung Trịnh Công Sơn.
Bức Chân dung Trịnh Công Sơn.

Từ sự cảm thông và đồng điệu không lời, Phạm Mùi đã chọn cho mình lối đi riêng của một người bình thường trong hàng vạn người yêu nhạc Trịnh.
Hiểu và yêu nhạc Trịnh, họa sĩ muốn mang tình yêu đến với tình yêu. Phạm Mùi có ý định sẽ bán đấu giá 5 bức tranh trong số các tác phẩm của mình: Như cánh vạc bay, Như cánh chim ưu phiền, Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ, Nghe tháng ngày chết trong thu vàng, và Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Số tiền thu được qua bán đấu giá ba bức tranh, họa sĩ ủng hộ cho các trẻ em nhiễm chất độc màu da cam, hai bức còn lại dành để tu sửa phòng tranh. Ông hy vọng sẽ biến nơi đây thành nơi giao lưu của những người yêu nhạc Trịnh. Một ngày không xa, ông mơ về một ngõ nhỏ lưu tên Trịnh Công Sơn.
Thu Hà

1gom