Thủ tướng Sharon và một năm “đẫm máu”

d
Từ khi ông Sharon nắm quyền, những vụ bạo lực vẫn thường xuyên xảy ra.

Con số thống kê cho thấy, 365 ngày ông Sharon cầm quyền là thời kỳ đẫm máu nhất trong lịch sử Israel nhiều năm qua.
Ông Sharon đã lập nên một liên minh khăng khít với Tổng thống Bush và nhờ đó đã cô lập Chủ tịch Palestine Yasser Arafat. Ông đã phong toả các thành phố của người Palestine, bắn rocket vào các khu nhà và tàn phá nền kinh tế của họ.
Với những hành động đó, trong mắt một số người dân Israel, Sharon đã trở thành nhân vật xa lạ. Avishai Margalit, học giả kiêm nhà bình luận người Israel, nói: “Tôi không tin chính phủ Israel hiện thời có một kế hoạch nào đó khả dĩ thực hiện được. Nếu tính cả những ngày khi tôi còn bé, khi tình hình tại Jerusalem đang rất tồi tệ thì cũng chưa bao giờ tôi thấy tương lai lại có vẻ bấp bênh và tinh thần dân chúng xuống thấp như hiện nay”.
Kể từ khi ông Sharon nhậm chức, đã có khoảng 200 người Israel và 515 người Palestine thiệt mạng trong các vụ bạo lực. Ông đã ra lệnh tăng cường những vụ ám sát các du kích Palestine, ra lệnh cho quân đội Israel thực hiện hàng chục vụ xâm phạm vào khu vực của người Palestine. Lần đầu tiên kể từ năm 1967, máy bay của Israel đã ném bom trở lại ở khu Bờ Tây và Dải Gaza. Ông Sharon đã cho tiến hành các hoạt động quân sự “ăn miếng trả miếng” với lý do trừng phạt những kẻ khủng bố người Palestine, đồng thời ép ông Arafat ngăn chặn phong trào bạo lực của người Palestine.
Các cố vấn của ông Sharon cho biết, ông đang có ý định ký kết một thoả thuận ngừng bắn với người Palestine và, nếu có thể, cho phép họ thành lập một nhà nước riêng. Nhưng đó là kết quả mà người Palestine chỉ đạt được sau một loạt những nhượng bộ như lãnh thổ không liên tục, không có thủ đô do chính mình lựa chọn, và không được phép kiểm soát biên giới. Các cố vấn cao cấp của Israel cho biết, bằng cách bao vây và tìm mọi cách hạn chế sự đi lại của ông Arafat ở khu Bờ Tây, Thủ tướng Israel muốn tạo ra những thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo Palestine.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có chuyển biến theo hướng đó. Ngược lại, có nhiều lý do khiến người ta tin rằng các biện pháp của ông Sharon chỉ làm gia tăng phản kháng của người Palestine.
Các quan chức an ninh của cả Israel và Palestine đều cảnh báo về một tương lai rất xấu khi số người Palestine sẵn sàng đánh bom tự sát đang tăng nhanh.
Sari Nusseibeh, một học giả nổi tiếng Palestine và là đại diện của ông Arafat tại Jerusalem bình luận: “Ông Sharon cho rằng nếu tăng cường sức ép đối với người Palestine thì đến một lúc nào đó họ sẽ phải cúi đầu. Theo tôi, cuối cùng thì cái ông ta nhận được cũng chỉ là sự tức giận của người Palestine mà thôi. Ông Sharon có thể sẽ thấy các đối thủ của mình suy yếu, nhưng có lẽ ông ta không nhận ra rằng vị trí của mình đã bị ảnh hưởng đến mức nào”.
Một cuộc trưng cầu dân ý vào tuần trước do nhật báo Ma’ariv tiến hành cho thấy, cứ 3 người Israel thì có 2 người tin rằng ông Sharon không có kế hoạch nào cụ thể để chấm dứt tình trạng bạo lực. Ông Margalit cho rằng, chính sách của ông Sharon chỉ làm cho tình hình càng ngày càng trở nên tồi tệ. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 50% dân chúng Israel ủng hộ ông. Theo nhiều nhà phân tích, Thủ tướng Israel đang cùng lúc tận dụng ưu thế về chính trị với ông Arafat và tăng cường sức mạnh quân sự của Israel.
Nhiều quan chức quân đội Israel công khai tuyên bố, nước này sẽ tiến hành nhiều hoạt động quân sự hơn nữa ở sâu trong lãnh thổ Palestine để trả đũa những cuộc tấn công vào người Do Thái. Trong tuần này, Israel sẽ xây dựng một thành phố giả của người Palestine tại vùng sa mạc phía nam để tập dượt các phương án tấn công. Đó sẽ là mẫu thành phố lớn nhất từ trước tới nay mà quân đội Israel từng xây dựng, với chi phí lên đến 8 triệu USD.
Gerald Steinberg, giáo sư người Israel chuyên nghiên cứu về an ninh, nói: “Quân đội Nhà nước Do Thái sẽ tấn công ồ ạt vào các thành phố Jenin và Nablus, những đô thị chính ở khu Bờ Tây để tìm kiếm, nhận diện và tiêu diệt mọi cơ sở quân sự của người Palestine”.
 Xuân Tùng (theo IHT)
 

1gom