Khó khăn chồng chất trước chính phủ lâm thời Afghanistan

Em bé ở làng Bonavash, vùng Abdullah Gan (Bắc Afghanistan) khóc vì đói. Dân ở ăn cỏ để sống qua ngày.
Em bé ở làng Bonavash (Bắc Afghanistan) khóc vì đói. Dân ở đây phải ăn cỏ để sống qua ngày.

Sau khi phe Taliban sụp đổ, chính phủ của ông Harmid Karzai lên thay, đón nhận một nước Afghanistan tiêu điều. Suốt 5 năm cầm quyền, Taliban không có một chính sách kinh tế, đường lối ngoại giao nào. Đất nước tồn tại chủ yếu nhờ hàng cứu trợ nước ngoài và tiền bán thuốc phiện.
Kho bạc trống rỗng. Trường học đổ nát. Bệnh viện không còn thuốc men, dụng cụ y tế. Trang thiết bị ở các cơ sở nghiên cứu khoa học bị mất mát hoặc đã cũ kỹ, hư hỏng nặng.
Bộ trưởng Y tế Kamil than phiền: “Thời Taliban, tất cả những người đứng đầu các bệnh viện đều mang chức danh Mullah. Họ không hiểu rằng trang thiết bị y tế là để trị bệnh cứu người”. Sự thiếu hiểu biết và mù quáng tôn giáo dẫn đến hậu quả tai hại: Tuổi thọ trung bình của người dân Afghanistan là 47, thuộc diện thấp nhất thế giới. Một phần tư số trẻ em chết khi chưa đến 5 tuổi.
Bên cạnh đó, những cấm đoán của chính quyền đã khiến lực lượng lao động của Afghanistan thu hẹp đáng kể. Chẳng hạn, con số 3.000 nhân viên làm trong các bộ, ngành trước năm 1996 giảm xuống còn 300 người dưới thời Taliban.
Văn phòng các cơ quan nhà nước bị tàn phá, nhiều nơi hư hỏng đến mức không thể phục hồi được nữa. Thiết bị máy móc của hệ thống phương tiện thông tin đại chúng xuống cấp nặng nề, nhân viên các đài phát thanh, truyền hình lưu lạc, ly tán vì dưới thời Taliban, họ đều bị cấm đi làm. Mạng lưới bưu chính không hoạt động.
Tất cả các bộ đều gặp khó khăn
Trong số các bộ chính quyền cũ để lại, chỉ có Bộ Đức hạnh và Ngăn ngừa tội lỗi là không làm Thủ tướng Karzai phải đau đầu vì nó đã… bị xóa sổ. Tuy nhiên, một loạt cơ quan mới lại được thành lập theo thỏa ước Bonn. Trong số đó, ít nhất 4 bộ không có đến cả văn phòng làm việc.
Song khó khăn đối với ông Karzai không phải là lo địa điểm cho các cơ quan nhà nước, mà là làm sao làm việc hiệu quả với một nội các trong đó, nhiều bộ trưởng được bầu vì lý do “đảm bảo thành phần trong chính phủ” hơn là vì họ thực sự có kinh nghiệm và năng lực quản lý. Một cố vấn của cựu tổng thống Afghanistan Burhanuddin Rabbani nhận xét về những người này: “Họ không có khái niệm gì về các khó khăn đang chờ đợi mình. Đối với đa số bộ trưởng mới, chẳng có gì đáng lo ngại. Họ chỉ thấy hy vọng dạt dào”.
Bây giờ là lúc chính quyền mới phải vận hành lại guồng máy cuộc sống ở Afghanistan. Trước hết là kêu gọi tất cả các nhân viên trở về nơi làm việc.
Bộ Ngoại giao là một trong những bộ lắm việc phải giải quyết nhất. Cơ quan này đã mất đại đa số nhân viên, bởi dưới thời Taliban, họ chỉ có quan hệ với 3 nước (Pakistan, Ảrập Xêút và Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất). Bây giờ, Bộ đang phải vất vả xử lý hàng loạt thư của các nước đề nghị nối lại quan hệ ngoại giao, phải làm việc với đội ngũ người nước ngoài đông đảo chờ xin visa, trong đó có hàng chục nhà báo xin phỏng vấn, chụp ảnh…
Bộ Giáo dục thì phải mở lại các trường bị đóng cửa dưới thời Taliban. Điều đó đồng nghĩa với việc mua mới toàn bộ trang thiết bị, bổ sung đội ngũ giáo viên, lập giáo án… Bà Faridah, nguyên hiệu trưởng một trường nữ học, phàn nàn: “Trường tôi bây giờ không bàn không ghế, không bảng, nhiều lớp học bị tên lửa bắn cháy. Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế giúp đỡ thì may ra chúng tôi mới hoạt động lại được”.
Trong tình hình hiện nay, một trong những việc chính quyền cần làm ngay là đánh giá mức độ thiệt hại và nhu cầu viện trợ, vận động và sử dụng hiệu quả nguồn tiền hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. 
Dù sao, cũng có thể nói rằng trong lúc khó khăn ngập đầu, chính quyền lâm thời của Afghanistan vẫn có một số thuận lợi. Thứ nhất, họ lên nắm quyền với sự ủng hộ to lớn, hay ít nhất cũng là mối thiện cảm, của cộng đồng quốc tế và dân chúng trong nước. Đây là một điều hết sức quan trọng. Thứ hai, đất nước được ổn định tương đối trong thời điểm chuyển giao quyền lực. Nói như James Dobbins, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Afghanistan, thì chính quyền Karzai có thể tự an ủi mình rằng: “Dẫu sao đây cũng là lần chuyển giao quyền lực hòa bình đầu tiên trong hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ, ở Afghanistan”.
Đoan Trang (theo Financial Times) 

1gom