Kể từ sau khi giám đốc Tăng Minh Phụng vào tù, các cơ quan hữu trách của TP HCM đã tạo điều kiện để công ty duy trì việc làm cho công nhân ngành may. Những người điều hành công ty, cụ thể là ông Tăng Bình Trọng, anh ruột ông Tăng Minh Phụng, cũng cố gắng xoay xở. Thế công ty cũng chỉ đắp đổi trả lương cho công nhân; còn các quyền lợi về BHXH, trợ cấp thôi việc đều không thực hiện được.
Từ năm 1998, đã có hàng nghìn công nhân thôi việc (trong đó có trên 900 công nhân nghỉ việc trong năm 2001), rời khỏi công ty với hai bàn tay trắng, dù nhiều người có thời gian làm việc không dưới 5 năm. Chỉ tính riêng với số công nhân nghỉ việc trong năm 2001, số tiền trợ cấp thôi việc công ty còn nợ họ đã lên đến gần 1 tỷ đồng. Cơ quan BHXH thành phố cũng cho biết, công ty còn nợ trên 10 tỷ đồng BHXH. Trả lời các cơ quan chức năng về vấn đề này, ông Trọng nói: “Khi nào có tiền sẽ thanh toán, nhưng chỉ trả từ năm 1999 đến nay”.
Công nhân sẽ mất việc vào cuối tháng 10
Hiện toàn bộ tài sản của Công ty Minh Phụng đang chờ thi hành án. Công ty phải thuê lại nhà xưởng, máy móc để hoạt động, mỗi tháng trả lãi hàng trăm triệu đồng, thu nhập công nhân chỉ còn không quá 500.000 đồng/người/tháng. Không còn các hợp đồng gia công, nợ cũ chưa dứt, công ty lại chồng nợ mới khi chấm dứt hoạt động vào cuối tháng 10, và còn 1.600 công nhân có tay nghề cao đang làm việc tại Minh Phụng sẽ mất việc.
Có một vấn đề mà trong quá trình giải quyết hậu quả do Tăng Minh Phụng để lại, các cấp, các ngành ở thành phố vẫn chưa đặt ra, đó là: Việc các ngân hàng thu hồi cả nghìn máy may công nghiệp, nếu để “bán” trừ nợ thì giá trị chẳng là bao, thậm chí chỉ cần tồn kho một thời gian là chúng biến thành đống… sắt vụn. Hơn nữa, theo luật định, việc giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp phải có tuyên bố cụ thể, mọi quyền lợi của công nhân lao động phải được xem xét giải quyết đầu tiên, sau đó mới tới các chủ nợ khác (kể cả ngân hàng).
Tình hình càng nóng lên khi ông Tăng Bình Trọng thêm một lần nữa vi phạm Luật Lao động và Luật Công đoàn, bằng quyết định “giảm biên chế” Chủ tịch Công đoàn Vũ Mạnh Hùng vào giữa tháng 10. Thực chất của vụ việc là do ông Hùng thẳng thắn đặt vấn đề bảo vệ quyền lợi công nhân, yêu cầu công ty phải thanh toán các quyền lợi và kiến nghị các cơ quan chức năng can thiệp. UBND quận 11 yêu cầu rút lại quyết định trên và nhận ông Hùng trở lại làm việc. Hiện, ông Tăng Bình Trọng đã đồng ý tiếp nhận Chủ tịch công đoàn Vũ Mạnh Hùng trở lại làm việc. Ngoài lương công đoàn chuyên trách, công ty hỗ trợ thêm cho ông Hùng 50% mức lương của quản đốc phân xưởng.
Sẽ tổ chức “Hội chợ lao động” cho công nhân Minh Phụng
Chiều 24/10, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Mai Đức Chính cùng Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 11 Thái Thị Thu Em đã làm việc với Phó Giám đốc Công ty Minh Phụng Tăng Bình Trọng, về các vấn đề liên quan đến quyền lợi người lao động tại công ty.
Tại cuộc họp, tập thể Ban chấp hành công đoàn cơ sở được giao nhiệm vụ khảo sát gấp tình hình lao động, và cùng với phó giám đốc ghi nhận bảo lưu mọi chế độ chính sách cho 1.600 công nhân. Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 11 Lê Trung Nghĩa trực tiếp giám sát các hoạt động trên để kịp thời báo cáo những khó khăn, thuận lợi với Liên đoàn Lao động thành phố và các cấp lãnh đạo quận, thành phố.
Đặc biệt, một phương án được đưa ra bàn khá kỹ trong cuộc họp, đó là: Nếu UBND thành phố không có chỉ đạo khác thì một ngày gần đây, Liên đoàn Lao động thành phố và quận 11 sẽ tổ chức “Hội chợ lao động”, để các doanh nghiệp ngành may có nhu cầu tuyển dụng lao động tay nghề cao đến nhận chuyển giao số công nhân dôi dư từ Công ty May Minh Phụng.
(Theo LĐ, NLĐ)
Theo dòng sự kiện:
May Minh Phụng vẫn “cấm cửa” chủ tịch công đoàn (19/10)May Minh Phụng rút quyết định sa thải chủ tịch công đoàn (17/10)