Vết thương cũ giữa Trung Quốc và Nhật Bản bắt nguồn từ Thế chiến II. Từ tháng 12/1937đến tháng 3/1938, chiến dịch trả thù của quân đội Nhật tại Nam Kinh đã cướp đi mạng sống của 300.000 người, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em. 20.000 phụ nữ bị cưỡng hiếp.
Mối ác cảm Trung – Nhật gia tăng do 4 chuyến thăm đền Yasukuni, nơi tưởng niệm những người Nhật chết trong chiến tranh, kể cả tội phạm chiến tranh, của Thủ tướng Junichiro Koizumi. Tháng 11/2004, tàu ngầm Trung Quốc xâm nhập vùng biển Nhật Bản. Một nhân tố góp phần vào căng thẳng là việc Trung Quốc không hoan nghênh nỗ lực của Nhật trở thành uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Việc Bộ Giáo dục Nhật Bản thông qua cuốn sách giáo khoa lịch sử gây tranh cãi hôm 5/4 đánh dấu một giai đoạn “rơi tự do” trong quan hệ với Trung Quốc. Cuốn sách không dùng từ “xâm lược” khi nhắc đến cuộc chiếm đóng quân sự với các nước châu Á khác trong nửa đầu thế kỷ 20. Vụ thảm sát Nam Kinh thì được gọi là một “vụ việc” trong đó “nhiều” người Trung Quốc bị giết.
Ngày 6/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố những cuốn sách giáo khoa này che đậy tội ác của những người theo chủ nghĩa quân phiệt và tô hồng lịch sử cuộc xâm lược. Một số cửa hàng Trung Quốc thì ngừng bán hàng hoá Nhật để phản đối.
Ngày 9/4, khoảng 1.000 người ném đá làm vỡ cửa sổ sứ quán Nhật tại Bắc Kinh. Trước đó, một cuộc tuần hành được tổ chức với sự tham gia của khoảng 6.000 người ở khu trường đại học phía tây Bắc Kinh. Một số người thậm chí còn đốt cờ Nhật Bản. Họ kêu gọi tẩy chay hàng hoá Nhật nhằm phản đối nội dung cuốn sách nói trên.
Ngày 10/4, 10.000 người Trung Quốc bao vây siêu thị của Nhật tại Thâm Quyến, hét lớn khẩu hiệu tẩy chay hàng Nhật. Trong khi đó, 3.000 người diễu hành về Tổng lãnh sự Nhật ở Quảng Châu, phản đối việc Tokyo yêu cầu Bắc Kinh xin lỗi vì hành động của người biểu tình. Họ ném những chai nhựa chứa nước khoáng vào cửa sổ siêu thị do người Nhật làm chủ ở Thâm Quyến.
Đại sứ Nhật tại Trung Quốc Anami Koreshige kêu gọi Bắc Kinh bảo vệ công dân, doanh nhân cũng như sứ quán, lãnh sự quán của Nhật tại Trung Quốc. Ngoại trưởng Nhật Nobutaka Machimura còn triệu Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo bàn về vấn đề biểu tình và yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại trên.
Về phần mình, Bắc Kinh lên tiếng yêu cầu người dân bình tĩnh và ôn hoà. Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Vương Nghị nói thêm rằng Bắc Kinh đã điều động một số lượng lớn cảnh sát để “tránh tình huống trở nên phức tạp” và “đảm bảo an toàn cho các tổ chức và công dân Nhật ở Trung Quốc”.
Ngày 11/4, Nhật Bản kêu gọi hội đàm với Trung Quốc để đảm bảo quan hệ với đối tác kinh tế quan trọng này không xấu hơn nữa sau những cuộc biểu tình chống Nhật. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hiroyuki Hosoda khẳng định hai nước phải nỗ lực để ngăn chặn sự hiểu lầm lẫn nhau. Thủ tướng Junichiro Koizumi thì tuyên bố sẵn sàng hội đàm với Bắc Kinh để giải quyết cuộc tranh cãi liên quan đến các hành động thời chiến của Nhật Bản.
Ngày 12/4, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định Nhật Bản phải đối mặt với lịch sử. Ông cho rằng các cuộc biểu tình khiến Tokyo phải xem xét lại nỗ lực giành ghế uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an.
Ngày 13/4, Bộ Thương mại và Ngoại giao Nhật Bản bắt đầu xem xét đơn của các công ty muốn thăm dò các giếng gas tự nhiên tại khu vực tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Koizumi khẳng định quyết định này không liên quan gì đến các cuộc biểu tình và việc từ chối xin lỗi của Trung Quốc.
Bắc Kinh chỉ trích quyết định của Tokyo và coi đây là hành động khiêu khích. Tokyo thì cáo buộc Trung Quốc không ngăn chặn nạn bạo lực chống người Nhật đang làm gia tăng căng thẳng ngoại giao song phương. Trung Quốc cảnh báo Nhật sẽ phải “chịu hoàn toàn trách nhiệm” đối với bất kỳ hậu quả nào có thể xảy ra nếu họ tiếp tục cho phép các công ty dầu khí khoan thử nghiệm tại khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông.
Ngày 14/4, Ngoại trưởng Nhật Bản Nobutaka Machimura tuyên bố sẽ thẳng thắn yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt hậu thuẫn các cuộc biểu tình, trong chuyến đi Trung Quốc của ông vào cuối tuần. Ông cũng sẽ đòi hỏi một lời xin lỗi và bồi thường những thiệt hại do người biểu tình gây ra.
Ngày 15/4, các cơ quan ngoại giao Nhật Bản ở Trung Quốc khuyến cáo công dân nước mình không nên tò mò tới những địa điểm vận động chữ ký hoặc nơi diễn ra biểu tình. Họ còn kêu gọi người Nhật cẩn thận khi liên hệ với người Trung Quốc, kể cả các nhân viên địa phương trong các công ty của Nhật và kiềm chế không gây ra những hành động có tính chất khiêu khích.
Sách trắng ngoại giao hàng năm của Nhật cho rằng Trung Quốc đã trở thành mối đe doạ nghiêm trọng với Nhật, do những hoạt động của Bắc Kinh trên vùng biển tranh chấp đôi bên.
Ngày 17/4, hàng nghìn người Trung Quốc tiến hành các cuộc biểu tình trên đường phố và bên ngoài lãnh sự quán Nhật ở Thâm Quyến, Nam Ninh, Chu Hải, Đông Quản, Quảng Châu, Hàng Châu, Thiên Tân, Hong Kong… nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật Bản Nobutaka Machimura.
Trong khi đó tại thành phố Osaka của Nhật, một người đàn ông đã định tự thiêu sau khi ném chai vào lãnh sự quán Trung Quốc.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Trung Quốc Lý Triệu Tinh bác yêu cầu xin lỗi của Tokyo. Tuy nhiên, ông Lý vẫn khẳng định mong muốn phát triển quan hệ với Tokyo. Nhà chức trách Bắc Kinh cũng có những bước đi nhằm hạn chế và kiểm soát các cuộc biểu tình.
Nguyễn Hạnh