Ông Nhi cũng nhấn mạnh trên 90% số mắc bệnh lao và tử vong đều ở nước đang phát triển. Đặc biệt, sự đồng nhiễm với HIV càng làm gia tăng nguy cơ phát triển bệnh, và khiến bệnh nặng thêm. Theo tiến sĩ Véronique Vincent, thuộc Viện Pasteur Paris, Pháp (cơ quan đồng tổ chức buổi tập huấn), bình thường chỉ 10% người nhiễm lao trở thành người bệnh, nhưng sự đồng nhiễm với HIV đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh lên đến hơn 30 lần.
Các chuyên gia cũng cho biết, hiện tượng lây truyền các chủng lao đa kháng thuốc thường là hậu quả của những sai sót trong điều trị, chẩn đoán, điều trị sai chỉ định, thiếu hụt kháng sinh và khó khăn trong việc thiết lập hoặc điều hành các mạng lưới chăm sóc.
Trong các dạng lao phổi, lao phổi trung thất là vị trí thường gặp nhất. Vì bệnh không có những dấu hiệu lâm sàng đặc hiệu, nên các bác sĩ phải chú ý đến những triệu chứng hô hấp dai dẳng, đặc biệt ở những người thuộc nhóm nguy cơ. Thể không triệu chứng chiếm 50% trường hợp.
Thể lao ngoài phổi chiếm khoảng 25% trường hợp, thường gặp nhất là lao hạch. Do biểu hiện lâm sàng và ít đặc hiệu nên thể lao này rất khó chẩn đoán.
Ở trẻ em, đặc biệt lứa tuổi nhỏ, nguy cơ nhiễm bệnh lao nghiêm trọng hơn ở người lớn. Bệnh lao phát tán toàn thân ngay sau một nhiễm trùng tiên phát. Bệnh cảnh lâm sàng thay đổi tùy theo vị trí tổn thương và lứa tuổi mắc bệnh.
Thiên Phúc