Hàng nghìn người tình nguyện Hồi giáo đã có mặt ở quốc gia Trung Á hồi những năm 1980 sau khi Liên Xô tiến vào đây năm 1979. Quân đội Xô viết cồng kềnh không thể đánh bại những chiến binh Ảrập và Afghanistan chỉ có vũ khí hạng nhẹ nhưng rất đông đảo. Kết quả là Liên Xô phải rút khỏi nước này năm 1988.
“Iraq đang phát triển thành chiến trường mới của Al-Qaeda”, Rohan Gunaratna, chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố, nhận định. “Không có kịch bản thánh chiến, mạng lưới của bin Laden không thể tuyển mộ những tên khủng bố cho chiến dịch ở bất kỳ đâu. Đã thua ở Afghanistan, nên chúng cần một địa điểm mới để huấn luyện. Và cuộc chiến do Mỹ tiến hành đã tạo điều kiện cho mục tiêu đó”.
Nếu Gunaratna đúng, thì Mỹ đang ở trong cuộc chiếm đóng kéo dài và đẫm máu. Trong suy nghĩ của Al-Qaeda, việc duy trì sự hiện diện và khả năng tiến hành tấn công liên tục là một chiến thắng, một dấu hiệu chứng tỏ Mỹ không thể loại bỏ họ.
“Chúng ta sẽ đưa kẻ thù vào một cuộc chiến kéo dài, giáp lá cà và hao tổn”, Osama bin Laden đe doạ trong một cuốn băng tiếng gửi tới “những người anh em Iraq” hồi tháng 2. “Kẻ thù sợ nhất chiến tranh trong thành phố và trên đường phố”.
Bin Laden không ưa Saddam Hussein, người đã đàn áp các phong trào Hồi giáo ở Iraq. Tuy nhiên, sau khi Mỹ phát động chiến tranh, ông ta đã hối thúc các môn đệ sát cánh với đảng Baath. “Trong hoàn cảnh hiện nay, việc người Hồi giáo có chung lợi ích với người xã hội (đảng Baath) trong cuộc chiến chống quân viễn chinh không có hại, dù niềm tin của hai lực lượng khác nhau”, bin Laden nói.
Ayman al-Zawahiri, trợ lý cho trùm khủng bố, đã đề cập đến sự cần thiết phải chuyển cuộc đối đầu với Mỹ từ những địa điểm “thuộc ngoại vi” như Afghanistan sang Trung Đông. “Chúng ta phải tìm cách chuyển chiến trường tới trung tâm thế giới Hồi giáo, nơi là trường đấu thực sự và diễn ra những trận đánh chính nhằm bảo vệ Hồi giáo”, ông ta viết.
Dù giữa thành viên đảng Baath của Saddam và chiến binh Al-Qaeda có một mục tiêu chung tiềm tàng, không phải nhà phân tích nào cũng tin rằng quá trình Afghanistan hoá Iraq đã bắt đầu. Các quan chức Mỹ thì chưa quả quyết về nguồn gốc những vụ tấn công, nhưng họ tin rằng các nhóm du kích Hồi giáo, cả Shiite và Sunni, đã thiết lập cơ sở tốt ở Iraq và các chiến binh nước ngoài đang tràn vào đất nước vùng Vịnh.
“Như các bạn có thể tưởng tượng, an ninh trên biên giới Iraq rất lỏng lẻo. Thực tế chúng tôi đã bắt giữ một số chiến binh nước ngoài ở Baghdad và khắp đất nước vùng Vịnh chứng tỏ cách thức mà những kẻ đó vào Iraq là từ Iran, Syria và Ảrập Xêút”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Armitage nói trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình vệ tinh Al Jazeera.
Chưa rõ số lượng chiến binh tình nguyện đến Iraq. Tuy nhiên, các quan chức an ninh Ảrập Xêút tỏ ý lo ngại về “sự mất tích” của khoảng 3.000 thanh niên. Nhà chức trách nghi ngờ những người này đã vượt qua biên giới vào Iraq để tiến hành thánh chiến chống liên quân.
“Tôi cho rằng Iraq, cũng như Afghanistan, là hai địa điểm nơi những kẻ thánh chiến có thể tới giết lính Mỹ ở sân chơi khá cân sức”, Graham Fuller, từng là phó chủ tịch Uỷ ban Tình báo quốc gia trong CIA, nói. “Tôi không cho Iraq là ’một Afghanistan’ vì sẽ không có cuộc thánh chiến quốc tế trên diện rộng như ở đất nước Trung Á (hồi những năm 1980) – khi đó một số tiền lớn và rất nhiều vũ khí đã được Mỹ cùng các nước khác tài trợ”.
Mohsen al-Awajy, luật sư Ảrập Xêút, cho rằng vụ đánh bom trụ sở Liên Hợp Quốc và các cuộc tấn công khác chỉ là sự khởi đầu của chiến dịch mà ông dự đoán là sẽ càng ác liệt trong bối cảnh năm bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần. “Người dân trong khu vực đang vô cùng tức giận. Sự trừng phạt dữ dội nhất dành cho người Mỹ vì chiến dịch bẩn thỉu của họ ở Iraq sẽ có tác động rõ nhất vào tháng 11 năm tới”, al-Awajy nói. Ông còn cho biết rất nhiều thanh niên Ảrập Xêút muốn gia nhập đạo quân thánh chiến tại nước láng giềng.
Theo Robert Baer, cựu điệp viên CIA, những người tình nguyện Ảrập Xêút đang hoạt động cùng thành viên bộ lạc Sunni ở Iraq. “Cách dễ nhất để vào đất nước vùng Vịnh là vượt qua biên giới Ảrập Xêút”, ông nói. “Một khi các mujahideen đã gặp được dân du cư, thì chúng ta không thể biết họ là ai nữa”.
Theo cố vấn dân sự của một đơn vị quân sự châu Âu đóng ở nam Iraq, cư dân sống gần biên giới với Ảrập Xêút gần đây cho biết “hàng trăm chiến binh Al-Qaeda” đã tràn vào Iraq. “Họ hầu như không vấp phải khó khăn khi vào đất nước vùng Vịnh. Sau đó, những kẻ thánh chiến lên phía bắc, hợp tác với người Sunni”, ông nói. “Lực lượng này không còn phải đến New York để giết người Mỹ nữa. Con quỷ Satan khổng lồ đã xuất hiện ngay tại ngưỡng cửa nhà họ. Về mặt hậu cần, điều đó thật tuyệt vời”.
Bên cạnh đó, những người tình nguyện Hồi giáo còn đang tràn vào Iraq từ biên giới với Syria và Iran. Toàn quyền Mỹ Paul Bremer tuần trước cáo buộc Damascus không thực sự nỗ lực để ngăn chặn “khủng bố nước ngoài” vào đất nước vùng Vịnh từ lãnh thổ của mình. Ông cũng phải thừa nhận thực tế rất nhiều phần tử khủng bố quốc tế có mặt tại Iraq.
Tuy nhiên, có những khác biệt rõ ràng giữa Iraq năm 2003 và Afghanistan hồi thập kỷ 1980.
Những người Afghanistan gốc Ảrập được người Pashtun chiếm đa số ủng hộ, lại được Mỹ và Ảrập Xêút tài trợ về tài chính, vũ khí và đào tạo. Những dãy núi ở đất nước Trung Á là căn cứ an toàn cho các chiến dịch của lực lượng mujahideen và tên lửa phòng không Stinger do CIA cung cấp nhằm phá hủy lợi thế về không lực của Liên Xô. “Tình hình ở Iraq khác Afghanistan”, Juan Cole, giáo sư lịch sử ĐH Michigan và chuyên gia về Iraq, nói. “Đa số dân cư Iraq là người Shiite và Kurd. Họ không ưa chủ nghĩa cực đoan của người Sunni. Vì vậy, dân địa phương sẽ thông báo cho nhà chức trách nếu người tình nguyện hoạt động ở bên ngoài tam giác hẹp của người Sunni”.
Mặc dù dòng chiến binh nước ngoài đang là mối quan tâm của liên quân, nhưng giáo sư Cole tin tưởng thủ phạm của những vụ tấn công là “người Sunni ở Iraq”. “Theo tôi, mối nguy hiểm thực sự với Mỹ là tình trạng nổi loạn của người Iraq theo chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên, tôi không nghĩ một thảm kịch quân sự theo kiểu Afghanistan với quân đội Liên Xô sẽ tái diễn với Mỹ ở đất nước vùng Vịnh. Mỹ tuyên bố thắng lợi và trở về nước trước khi nó kịp xảy ra, có thể là vào mùa hè năm tới để kịp năm bầu cử”, ông Cole nhận định.
Nguyễn Hạnh (theo CSM)