Vũ khí hủy diệt của Iraq ở đâu?

Chính vì vậy, giờ đây, Mỹ phải chứng minh. Nếu không, thế giới sẽ cho rằng nước này mở đường cho chiến tranh bằng những lý lẽ dối trá. Chính quyền Bush thừa hiểu uy tín của họ đang lâm nguy.
Hồi tháng 2, tại Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đưa ra những chi tiết sinh động, chứng minh rằng tiến hành chiến tranh để triệt phá kho vũ khí đó là xứng đáng. Các quan chức Lầu Năm Góc tin tưởng chất lượng thông tin tình báo sẽ giúp binh lính nhanh chóng tìm ra vũ khí huỷ diệt một khi đã đặt chân lên đất Iraq. Giờ đây, Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận binh lính không còn khả năng tình cờ bắt gặp một kho vũ khí. Họ đã tới tất cả những địa điểm “đầy hứa hẹn”, nhưng tất cả đều trống trơn. Ông Rumsfeld nói: “Mọi thứ được cất giấu. Chúng ở dưới địa đạo. Mọi thứ được phân tán. Thanh sát viên không tìm thấy gì. Tôi cũng nghi ngờ khả năng binh lính Mỹ sẽ phát hiện ra cái gì đó. Điều chúng tôi sẽ làm là tìm cái mà người dân chỉ dẫn”.
Tuy nhiên, các quan chức chỉ lạc quan khi phát biểu công khai, còn thực ra, sức ép đang tăng lên. Lầu Năm Góc đã phái hẳn một lữ đoàn 3.000 quân tới tìm kiếm và treo giải thưởng 200.000 USD cho việc phát hiện ra vũ khí huỷ diệt. Các sĩ quan được trả 2.500 USD nếu thấy dấu vết. Biện pháp này chưa hay lắm. Lý do là một số nước, đặc biệt là Nga vẫn đòi hỏi phải có kiểm chứng độc lập và buộc tội Mỹ bịa đặt kể cả khi thanh sát viên của họ tìm ra vũ khí huỷ diệt.
Một quan chức quốc phòng cho rằng việc phát hiện và kiểm chứng mất nhiều thời gian, nhưng nói một cách công bằng, việc giấu giếm vũ khí bị cấm cũng vậy. Một số nhân vật đặt câu hỏi liệu có tìm được những kho vũ khí lớn mà Mỹ cáo buộc không, vì cất giấu một lít khuẩn than thì dễ, nhưng che đậy cơ sở sản xuất lớn cỡ một nhà máy thì không đơn giản chút nào.
Joseph Cirincione, phụ trách Dự án Không phổ biến vũ khí tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho rằng việc không tìm thấy gì có thể dẫn đến hai khả năng không hay. Một là, không có nhiều vũ khí như Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố. Điều đó có nghĩa là tình báo mắc sai lầm nghiêm trọng. Uy tín của người đứng đầu Nhà Trắng và nước Mỹ sẽ bị sụt giảm đáng kể. Hai là, có nhiều vũ khí như ông Bush lo ngại và chúng không còn thuộc quyền kiểm soát của ai. Khả năng này nhấn mạnh tính khẩn cấp của cuộc truy tìm. Lý do đầu tiên của cuộc chiến là ngăn chặn sự phổ biến của vũ khí bị cấm. Vì tất cả các cơ sở của chính phủ đều bị cướp phá, nên người ta không thể không nghĩ rằng những vũ khí có thể bị bán.
Khó có khả năng trung tướng Amer al-Saadi, cố vấn khoa học hàng đầu Iraq, và chuyên gia chất độc thần kinh al-Ani sẽ tiết lộ điều gì vì nếu vậy, họ có thể bị truy tố gây tội ác chiến tranh. Một quan chức tình báo Mỹ cho biết, hai người này chỉ nói: “Vũ khí huỷ diệt? Vũ khí huỷ diệt là gì? Chúng tôi không có loại vũ khí khó chịu đó cho các bạn”. Tuy nhiên, nhà chức trách Mỹ đánh giá những nhân vật khác sẽ hợp tác một khi mối lo ngại bị trả thù không còn. Tuy nhiên, vấn đề chính trị sẽ nổi lên. Lầu Năm Góc thừa nhận cuộc truy lùng vũ khí huỷ diệt kéo dài càng lâu bao nhiêu, thì giới chỉ trích càng có cơ hội nhấn mạnh rằng Mỹ bịa đặt ra những bằng chứng.
Trả lời phỏng vấn tờ Der Spiegel (Đức), trưởng đoàn UNMOVIC Hans Blix cho rằng những thông tin Washington đưa ra cho UNMOVIC thời kỳ trước chiến tranh là “không thoả đáng”. Người ta không ngạc nhiên khi ông tuyên bố hồi tuần trước: “Về mặt nào đó, người ta muốn có kiểm chứng quốc tế đáng tin cậy về những gì Mỹ tìm được”.
Công cuộc tìm kiếm vũ khí huỷ diệt phải nằm trong tay đội ngũ hoàn toàn độc lập với Washington. Đó chính là IAEA và UNMOVIC. Họ được tin tưởng tìm kiếm bằng chứng vũ khí huỷ diệt ở Iraq. Nếu thực sự không có vũ khí, thì các thanh sát viên Mỹ cũng không thể phát hiện được cái gì.  
Nguyễn Hạnh (theo Time, Arab News)

Close [X]
1gom
1gom