Chứng khoán: đam mê hay ăn xổi?

Hải là một trong những người đầu tiên làm việc tại Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Hiện anh đang theo học một khóa tiến sỹ chuyên ngành chứng khoán ở nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp, Hải hứa sẽ quay về Uỷ ban làm việc.
Anh tâm sự, là người trong ngành và có điều kiện tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều, lắm khi cảm thấy xót xa khi những cơ hội, thời gian và nguồn lực bị lãng phí. Trong điều kiện của Việt Nam, 3 năm vừa qua đáng lẽ ra TTCK đã có một diện mạo, một vị thế khác trong nền kinh tế… Hải nói: “Mình cảm thấy tiếc khi thấy mọi người cứ theo nhau ra đi vì những lý do rất đời thường. Nhưng đôi khi mình cũng đặt câu hỏi: không biết có không một niềm “đam mê” hay chỉ là những toan tính đơn giản? Người ra đến với chứng khoán vì muốn được làm việc hay chỉ là một sân chơi, một thứ mốt?”.
Với bằng thạc sỹ hạng ưu chuyên ngành tài chính – chứng khoán ở nước ngoài, Minh về làm việc tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM, giữ chức trưởng phòng quản lý thành viên. Tuy nhiên, sau chưa đầy 3 năm, Minh đã từ bỏ chứng khoán và về đầu quân cho một ngân hàng thương mại lớn, nơi anh cảm thấy hài lòng vì có mức lương khá hậu trong môi trường làm việc năng động và cơ hội thăng tiến nghề nghiệp cao.
Lương bổng và chế độ đãi ngộ thấp, môi trường làm việc thiếu năng động nhưng lại đầy áp lực và trách nhiệm, thiếu cơ hội thăng tiến nghề nghiệp là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “ra đi” trong ngành chứng khoán hiện nay. Mức lương các trưởng, phó phòng có chuyên môn ở Trung tâm Giao dịch chứng khoán hiện xấp xỉ trên dưới 1 triệu đồng. Ở các công ty chứng khoán có nhỉnh hơn, khoảng 1,5-2 triệu đồng, nhưng so với mức đãi ngộ người có năng lực và trình độ chuyên môn tương đương ở những nhành nghề khác thì rất thấp.
Phạm Khánh Lynh cũng là một trường hợp ra đi khỏi công ty chứng khoán để tới một nơi khác nhưng vẫn liên quan đến chứng khoán – Quỹ Đầu tư chứng khoán. Anh nói, sự hấp dẫn của hoạt động chứng khoán và nghề chứng khoán với anh vẫn còn nguyên vẹn. Đó là sự hợp lực, sự minh bạch của thị trường. Mọi người cùng làm với nhau và cùng phát triển. Khi làm việc ở công ty chứng khoán, anh đã cố gắng làm tất cả vì điều đó.
“Thời gian qua, có nhiều sự kiện xảy ra liên quan đến sự minh bạch hay không minh bạch trong hoạt động của TTCK, các công ty chứng khoán. Nhưng suy cho cùng, nó càng chứng rõ ràng: nếu không có minh bạch thì sự tồn tại và phát triển của TTCK là không có được”, Lynh tâm sự.
Một người tâm huyết với chứng khoán dù có ra đi vẫn là người tâm huyết. Lynh vẫn lạc quan nhìn TTCK như một bức tranh, có cả màu hồng, màu xám, và gam màu cơ bản vẫn là sáng. Bởi nó là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, là nguồn lực, là cơ hội cho những ý tưởng phát triển.
TTCK VN sẽ phải phát triển nhưng phát triển như thế nào? Điều đó rất khó vì nó phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế. Nếu nhìn vào sự phát triển của các định chế tài chính, các quỹ đầu tư, các công ty cổ phần để định lượng thì có thể tin tưởng rằng 3 năm tới, thị trường sẽ phát triển hơn bây giờ.
Giới chuyên môn thì cho rằng, giải pháp quan trọng nhất để hạn chế tình trạng chảy máu chất xám trong ngành chứng khoán là phải tăng thu nhập và chế độ đãi ngộ. Tuy nhiên điều này lại rất khó vì Trung tâm Giao dịch chứng khoán chưa phải là đơn vị hoạt động theo cơ chế thành viên hoặc công ty cổ phần như ở nhiều sở giao dịch chứng khoán của các nước. Còn các công ty chứng khoán thì lại bị hạn chế bởi thị trường.
(Theo TBKTVN)

Close [X]
1gom
1gom