Ahmed Chalabi cho biết sẽ trở về Iraq để phản ứng với những cáo buộc lừa gạt. |
Các quan chức Washington thì xì xào Chalabi từ lâu đã lừa bịp người Mỹ, làm gián điệp cho Iran. Về phần mình, ông khẳng định tất cả là giả dối và là sự bôi nhọ mà CIA dựng nên.
Trong quá trình chuẩn bị chiến tranh Iraq, tổ chức lưu vong của Chalabi, Đại hội Dân tộc Iraq, trên thực tế, rõ ràng là một nguồn quan trọng cho thông tin tình báo về vũ khí huỷ diệt. Không có tài liệu nào nhưng một số nhân vật lưu vong khẳng định Saddam Hussein có phòng thí nghiệm di động nghiên cứu vũ khí sinh học hoặc hoá học – cáo buộc mà Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đã sử dụng trong bài phát biểu tạo cớ chiến tranh tại Liên Hợp Quốc và giờ khẳng định là hối tiếc vì đã trích dẫn.
Công bằng mà nói, Đại hội Dân tộc Iraq không phải là nhóm duy nhất cung cấp tin tình báo. Chẳng hạn, tổ chức Hoà hợp Dân tộc Iraq khẳng định, Baghdad có thể triển khai vũ khí huỷ diệt trong vòng 45 phút sau khi có lệnh. Tất nhiên là còn có nhiều nguồn khác – ảnh vệ tinh, nghe chặn, và thậm chí cả những kho vũ khí mà các thanh sát viên vũ khí Liên Hợp Quốc chưa tính đến. Chalabi cho rằng nếu những thông tin đó không rõ ràng, thì lẽ ra người Mỹ phải kiểm tra kỹ lưỡng hơn.
Cứ theo bề ngoài mà xét, thì cũng không có gì chứng tỏ mối quan hệ nồng ấm giữa Chalabi và Iran. Những mối tiếp xúc của ông không phải là bí mật. Chalabi không thân cận với Tehran như một tổ chức lưu vong khác, Hội đồng Tối cao vì Cách mạng Hồi giáo Iraq. Trụ sở nhóm này vẫn đặt tại Iran cho tới khi chiến tranh kết thúc.
Tuy nhiên, điểm mới là mối quan tâm tập trung vào việc gần đây, Chalabi tiếp cận thông tin mật của Mỹ ở Baghdad và liệu thông tin đó có đến tay người Iran không. Trong đám mây mù các tuyên bố và lời lẽ phản bác, một điều nổi bật lên: vận mệnh chính trị bấp bênh của Chalabi dường như phản ánh những thay đổi thầm lặng nhưng mạnh mẽ trong chính sách Iraq của Washington.
Khi trở lại Iraq cách đây hơn một năm với sự giúp đỡ từ lực lượng đặc nhiệm Mỹ, Chalabi nhanh chóng trở thành một nhân vật có ảnh hưởng đáng kể. Ông ta là thành viên Hội đồng Điều hành Lâm thời, Chủ tịch Uỷ ban Tài chính và Kinh tế trực thuộc Hội đồng, phụ trách uỷ ban giải tán đảng Baath và thậm chí còn được ca ngợi là tổng thống Iraq trong tương lai.
Nhưng khi những vấn đề ở Iraq tăng lên – bạo lực leo thang, tác động tai hại của vụ ngược đãi tại nhà tù Abu Ghraib, thì Mỹ buộc phải điều chỉnh suy nghĩ. Washington đã trao cho Liên Hợp Quốc công việc không đáng thèm muốn là tìm ra một chính phủ lâm thời. Nhà Trắng cũng mời lại các cựu tướng Iraq để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Fallujah. Mỹ thừa nhận chính phủ lâm thời sẽ có quyền lực rộng rãi hơn nhiều so với dự tính bán đầu – chủ quyền “đầy đủ” chứ không phải hạn chế. Và Chalabi rõ ràng đã bị gạt ra lề. Ngay cả với những người ủng hộ ông ta trước đây ở Lầu Năm Góc, nhân vật lưu vong nổi tiếng nhất Iraq không còn là một phần giải pháp, mà là một phần của sự trục trặc.
Nguyễn Hạnh (theo BBC)