Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell. |
Hôm qua (18/1), trong buổi gặp vua Gyanendra và Thủ tướng Sher Bahadur Deuba tại Kathmandu, ông Powell tuyên bố: “Đại sứ quán Mỹ sẽ thảo luận và ghi lại nhu cầu của Nepal về các hoạt động hỗ trợ quân sự”. Ông là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới Nepal kể từ khi hai nước tái thiết lập quan hệ ngoại giao, năm 1947. Hôm nay, ông gặp các quan chức quân đội của Nepal, sau đó sẽ tới Tokyo để thảo luận việc tái thiết Afghanistan.
Trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Powell, Chính phủ Nepal tỏ ra mong đợi sự giúp đỡ tài chính của Mỹ trong việc dẹp các nhóm phiến quân. Theo Thủ tướng Prakash Chandra Lohani, nước này đang trong tình trạng khủng hoảng cả về tài chính và pháp luật. Thách thức lớn đối với chính phủ là làm sao vận động được “sự ủng hộ từ phía Mỹ”. Gần 1/3 ngân sách hàng năm của Nepal là do các nhà tài trợ như Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Nhật Bản, Đức và Mỹ cung cấp.
Tháng trước, Ấn Độ đã tặng Nepal hai trực thăng chiến đấu để giúp họ tấn công vào những nơi nghi có doanh trại của quân nổi loạn.
Kể từ vụ thảm sát trong Hoàng gia, tình hình chính trị Nepal đến nay vẫn chưa yên. Cách đây ít lâu, ngày 26/11, vua Gyanendra phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh cho quân đội thay thế cảnh sát vì lực lượng này không có đủ quân số để chiến đấu chống phiến quân cánh tả. Từ đó, Nepal đã tiêu diệt trên dưới 400 quân nổi dậy.
Ngoại trưởng Powell nhận xét: “Bạo lực sẽ không thể mang lại những thay đổi về chính trị. Chính phủ Nepal không nên kéo dài tình trạng khẩn cấp hiện nay”.
Xuân Tùng (theo AP)