HLV Lê Thuỵ Hải. Ảnh: Anh Tuấn |
Ở Việt Nam hiện nay, hiếm có HLV bóng đá nào từng trải qua công việc huấn luyện ở mọi cấp độ như ông Lê Thụy Hải: chuyên nghiệp, hạng nhất, hạng nhì, nữ, phong trào,… và cả bóng đá đường phố (trong những ngày về thăm nhà). Mấy chục năm làm HLV, là mấy chục năm ông hưởng trọn niềm vui, nỗi buồn từ quả bóng da. Do đó, ông Hải hiểu mọi khía cạnh tích cực, tiêu cực của môn thể thao vua rõ như biết quả bóng được may từ bao nhiêu múi.
Tính ông thẳng thắn, quyết liệt, và nhiều lúc có phần hơi sỗ khi phản đối các quyết định sai của trọng tài, ban tổ chức giải. Đơn giản vì, ông Hải đã kinh qua đời cầu thủ, nên hiểu được tâm tư, tình cảm của họ khi công sức tập luyện bao ngày trời với nhiều mồ hôi, nước mắt, và thậm chí cả máu lại bị “cướp đi”. Ông phản đối không phải để bảo vệ chiếc ghế HLV, mà là đấu tranh để giành quyền lợi cho cầu thủ, đội bóng, và cả sự trong sạch của bóng đá chuyên nghiệp. Ông Hải tâm sự: “Tôi yêu bóng đá đến cuồng nhiệt, và luôn truyền niềm tin đó vào bất cứ đội bóng nào mà tôi huấn luyện. Trong giới bóng đá hiện nay, ai mà không biết Hải “lơ” thời cầu thủ của Tổng cục Đường sắt, và HLV bóng đá Lê Thụy Hải như ngày nay. Vậy thì cần gì tôi phải đánh bóng tên tuổi mình bằng những phát biểu ầm ĩ. Tôi đấu tranh vì không chịu được cảnh bóng đá Việt Nam ngày càng đi xuống mà không phải vì lý do chuyên môn yếu kém. Nó đi xuống vì tốc độ phát triển của nó khiến những người làm công tác quản lý, các trọng tài không theo kịp”.
Nhưng ở mùa giải V-League 2005, Lê Thụy Hải đã khác nhiều. Ông dường như đã cảm thấy mệt mỏi vì công sức đấu tranh ở những giải trước rơi vào vô vọng. HLV trưởng của Đà Nẵng vẫn gào thét không tiếc lời để thúc đẩy các học trò mình tiến lên, nhưng không còn “mắng” trọng tài, không kiện cáo, và không cả những lời góp ý chân thành với Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Hiện tại, ông chỉ tập trung, và cố gắng làm thật tốt công việc chuyên môn của mình ở đội bóng sông Hàn.
Tuy nhiên, không vì thế mà bóng đá Việt Nam mất đi một HLV Lê Thụy Hải đầy cá tính. Theo giới chuyên môn, ông chỉ chuyển sang đấu tranh thầm lặng cho các học trò của mình, thay vì ầm ĩ ra mặt nhưng không hiệu quả. Người hâm mộ luôn thắc mắc tại sao Lê Huỳnh Đức vẫn được ông tin dùng khi đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp. Ông Hải lý giải: “Huỳnh Đức đã và vẫn đang là một cầu thủ gương mẫu trong tập luyện, sinh hoạt, và đáng để các cầu thủ trẻ noi theo. Đức phải rời TP HCM vì bị coi là “quyền lực đen” trong đội bóng. Đức không thể giải nghệ ngay thời điểm đấy vì sợ sẽ mang tiếng suốt đời. Anh chấp nhận đến Đà Nẵng để làm lại cuộc đời, thì tại sao chúng tôi lại không tạo cơ hội cho anh trở lại cuộc sống bình thường sau khi giải nghệ bằng một tinh thần lạc quan, tự tin”.
Cũng theo ông Hải, đội Đà Nẵng đã bị tạo áp lực nặng nề về mặt thành tích từ giới truyền thông. “Lê Huỳnh Đức qua rồi thời đỉnh cao, Giang Thành Thông không phải là ngôi sao của đội, Thanh Phúc, Đức Cường lại càng không. Nhưng không hiểu vì sao mọi người cứ cho rằng Đà Nẵng là đội bóng nhiều sao, khiến các cầu thủ trẻ của đội ảo tưởng về khả năng của mình”.
Xung quanh chuyện chọn HLV trưởng cho đội tuyển quốc gia Việt Nam, ông Hải cho biết: “Chưa ở đâu trên thế giới mà một HLV có thể quay lại làm việc với một đội tuyển quốc gia đến lần thứ 3, có lẽ chỉ có ông Riedl là ngoại lệ. Và cũng chưa có HLV nào có thể đảm trách tốt công việc của mình khi được giao cho tới 3 đội bóng của quốc gia cùng một lúc. Bóng đá Việt Nam thật lạ lùng”.
Nguyễn Tuấn