Nguy hiểm rình rập phụ nữ Iraq sau chiến tranh

Chiều 7/5, khi đang đi mua bánh mỳ ở chợ, hai cô gái bị 3 kẻ trên xe taxi màu da cam và trắng dùng súng bắt cóc. Họ bị đưa đi vài km và tới một ngôi nhà ở ngoại ô thành phố, nơi họ chưa từng đặt chân tới. Hai bệnh nhân cho biết ở đó có giường, TV và thức ăn. “Họ mới 18, 19 tuổi và còn trinh trắng”, Hamdani nói. “Bạn có thể tưởng tượng điều gì xảy ra sau đó”.
Kết quả kiểm tra sức khoẻ cho thấy, hai cô gái đã bị hãm hiếp nhiều lần. Nạn nhân cho biết 5 tên liên tục cưỡng dâm họ trong vòng 36 giờ. Chúng còn dùng ván đập vào mặt và lưng hai cô gái. Nạn nhân là người Hồi giáo nên không bao giờ tiết lộ cho nhà báo về những gì đã xảy ra. Bị hãm hiếp là một điều sỉ nhục trong thế giới Hồi giáo, nạn nhân sẽ tự đi chạy chữa và không bao giờ tố cáo tội ác. Ở Iraq, những cô gái bị cưỡng dâm không thể kết hôn và bị đuổi khỏi nhà. Thậm chí, họ hàng nam giới có thể giết họ vì “đó là điều hổ thẹn với gia đình”.
Bác sĩ Hamdani cho biết, nạn nhân bị thủ phạm vụ hãm hiếp đưa ra lề đường chiều 9/5 và may mắn được một người lái taxi tốt bụng đưa về Baghdad. Trước khi rời khỏi bệnh viện, hai cô xin được cấp giấy chứng nhận y tế họ đã bị cưỡng dâm, nhưng các bác sĩ nói họ không có quyền làm vậy. Hamdani và đồng nghiệp Khilood Yunis chỉ họ tới cơ quan pháp y của cảnh sát. Tuy nhiên, đơn vị này đã đóng cửa, văn phòng bị cướp phá sau khi Baghdad bắt đầu nằm dưới sự kiểm soát của lính Mỹ cách đây hơn một tháng.
Như nhiều người dân Baghdad, Hamdani đã nhiều lần nhận được lời hứa hẹn các đơn vị cảnh sát tuần tra sẽ sớm được thiết lập lại, cùng với sự hỗ trợ của quân đội. Tuy nhiên, ở nhiều khu vực, các chỉ huy cho biết binh lính của họ bị dàn mỏng và lực lượng an ninh không hoạt động. “Mọi người cần an ninh ở khắp mọi nơi. Chúng tôi thậm chí không biết đi hỏi nhà chức trách ở đâu nữa”, bác sĩ than phiền. “Mọi chuyện cứ như ở Texas trong phim”.
Những bản tin về hãm hiếp, ăn cướp và giết người đang ngày một nhiều trên toàn Baghdad, cả ở khu người nghèo lẫn người giàu. Ở thành phố 5 triệu dân này, tình trạng thiếu cảnh sát đang là một khó khăn cơ bản, nhưng không phải là duy nhất: điện, dầu hoả, nước sạch và thuốc men vẫn là đồ xa xỉ với nhiều cư dân. Tình trạng cướp phá sau khi Baghdad thất thủ đã dẫn đến nỗi sợ hãi và thất vọng, đặc biệt là với phụ nữ, vào ban đêm.
“Ngủ ở bệnh viện thì tốt hơn”, Yunis nói. Cô cảm thấy an toàn hơn khi ở lại để phục vụ những phụ nữ sinh nở vào ban đêm chứ không về nhà. “Chúng tôi sợ hãi vì tính mạng của mình”, Yunis nói với tiếng thở dài mệt mỏi. “Bạn không thể tưởng tượng được tình hình thế nào khi chúng tôi nghe thấy tiếng súng nổ khắp nơi, ở gần bệnh viện vào ban đêm”. Trước chiến tranh, Yunis có thể rời nhà lúc nửa đêm để khám cho bệnh nhân, nhưng bây giờ thì không thể. Giống như nhiều người Baghdad khác, bác sĩ không cho các cô con gái đang ở tuổi thiếu niên tới trường, ông chồng thì có nhiệm vụ duy nhất là ở nhà và làm vệ sĩ cho gia đình.
Y tá Samara Hassan cho biết không thể sử dụng xe cấp cứu vì bệnh nhân không thể gọi điện tới bệnh viện. Đường dây điện thoại ở Baghdad đã ngừng hoạt động. Và gần như không thể mua xăng cho phương tiện, dù đất nước Iraq nằm trên một biển dầu. Các cửa hàng bán xăng không hoạt động vì tình trạng mất an ninh suốt ngày đêm. Hai mẹ con y tá Hassan đã ở trong căn phòng để đồ y tế một tuần nay, để người mẹ tiện làm việc.
Tại quận Alamia, Ali Taha, 36 tuổi, đang sửa xe, cho biết, cách đây 3 ngày, lúc 11 giờ trưa, một phụ nữ mà anh quen biết đang đi bộ thì bị mấy gã đàn ông có súng túm tóc và bắt cóc. Đó là một cô gái 26 tuổi. Nạn nhân bị đưa lên một chiếc taxi Passat và không ai còn nhìn thấy cô kể từ đó. Cảnh sát ở đâu? Quân đội Mỹ ở đâu? Không ai biết.
Ở quận Baghdad Mới, một trong những khu vực nguy hiểm nhất của thành phố, Majad Hamad, 30 tuổi, đang bán ghế đẩy, xe đạp trẻ em và balô ngay trên phố, trước cửa một nhà thờ Hồi giáo. Rất nhiều người mua hàng hoá bị cướp, kể cả máy tính. Đa phần người đứng trên phố là nam giới. Hamad cho biết chỉ có bà già mới ra đường, bản thân anh chỉ ra phố khi có đủ hai khẩu súng ngắn.
Một bà mẹ, với gương mặt có vẻ sợ hãi, tay nắm chặt túi xách, cùng hai cậu con trai đi tới định mua một chiếc xe đạp 3 bánh. Bà là một chủ cửa hàng đổi tiền cách đó vài trăm mét. Tuy nhiên, bà đã có ý định tạm ngừng buôn bán ở khu vực này. Trước đây, dưới thời chính quyền Saddam Hussein, nhân viên bảo vệ của cửa hàng không cần trang bị vũ khí. Giờ đây, bản thân chồng bà chủ đã sắm một khẩu súng ngắn. Một người họ hàng nam giới thì có khẩu Kalashnikov. Cách đây 10 ngày, chủ hiệu trang sức ở gần đó bị cướp rồi bị giết.
Chủ hiệu sửa giày tên là Samir Gul cho biết cách đây 2 tuần, lúc 2 giờ chiều, hai cô gái khoảng 17 tuổi bị vài gã đàn ông đe doạ bằng dao. Một chiếc ôtô đi tới, người lái xe đề nghị giúp. Đó chỉ là trò bịp. Khi hai thiếu nữ lên xe, thì những kẻ đe doạ kia cũng làm vậy. Sợ bị bắn, những người làm việc trong hiệu sửa giày không dám ho he. Lính Mỹ đã tịch thu hết súng của họ. Gul nói về binh lính nước ngoài: “Họ hứa sẽ lập lại an ninh. Chúng tôi muốn hỏi cam kết đó đâu”.
“Bắt đầu từ con số không”
Thiếu tá Mỹ Jack Nales ngồi ở văn phòng đằng sau chiếc bàn gần như đã hỏng. Bên cạnh bàn là 3 cái ghế không còn chỗ tựa lưng. Cửa sổ bị vỡ. Tường đen do bồ hóng. Nơi đây từng là một đồn cảnh sát không xa bệnh viện Alwia.
“An ninh, đó là mong muốn, cũng là ưu tiên số một của chúng tôi”, Nales, 46 tuổi, thuộc tiểu đoàn Các vấn đề dân sự 422, nói. Từng phụ trách văn phòng Chữ thập Đỏ ở Fayetteville, Bắc Carolina, ông biết tầm quan trọng của việc phải giải quyết nhanh tình trạng khẩn cấp. Cấp dưới của Nales thường xuyên tuần tra trên xe tăng và các thiết bị quân sự có trang bị vũ khí hạng nặng. Tuy nhiên, an ninh công cộng thực ra không phải là vấn đề. Ưu tiên là an ninh cho lính Mỹ, mục tiêu của một số cuộc tấn công. “Vấn đề là chúng tôi không có đủ người và cũng không được đào tạo làm công việc của cảnh sát”, Nales thừa nhận.
Hàng ngày, rất nhiều người Iraq tới trụ sở, đòi điều tra các vụ giết người, cướp của. Nales cũng biết tin những vụ bắt cóc, cưỡng hiếp. Ông đã cử người đi làm nhiệm vụ khi có thể, nhưng cũng đã quen với việc phải nói lời xin lỗi. “Tôi rất tiếc, nhưng còn quá sớm để hy vọng lương thực và nước được cung cấp trở lại”. “Tôi xin lỗi, các cơ quan cảnh sát và hệ thống tư pháp không có ở đây.” “Xin lỗi, chúng tôi không có đủ người để giúp đỡ các bạn”…
Trong khi đó, ở gần sân vận động Baghdad, lữ đoàn cảnh sát quân đội số 18 đang tuyển mộ cựu cảnh sát Iraq, nhưng chỉ những người từng làm việc ở cấp thấp nhất. Nhiều sĩ quan không được tin tưởng và bị dân chúng coi thường.
Thiếu tá Gillian Boice, 35 tuổi, tới Baghdad từ căn cứ ở Đức cách đây 10 ngày, cho biết lữ đoàn này đang đào tạo khoảng 4.000 người Iraq để giúp tuần tra. Vũ khí đang được huy động, nhưng chưa có đủ phương tiện. Người Iraq đang nỗ lực hết sức và sẵn sàng làm việc.
Trở lại bệnh viện Alwia, nơi bác sĩ và y tá đang sợ hãi, nơi máy phát điện đã bị đánh cắp, nơi không có điện để chạy thiết bị, Yunis gần như khóc. Cô trích dẫn một ngạn ngữ Iraq cổ: “Đừng kết luận món gì là ngon khi bạn chưa thử”.
Nguyễn Hạnh (theo Washington Post)

Close [X]
1gom
1gom