– Năm 2004 được coi là một năm thành công trong sự nghiệp của anh khi một lúc giành tới 3 giải thưởng (1 trong 12 nhân vật của năm; Nhạc sĩ của năm; Bài hát của năm). Anh đánh giá thế nào về năm vừa qua?
– Niềm tự hào của tôi trong năm qua chính là sự hoàn hảo của CD Nắng lên. Tôi tự hào bởi đó thực sự là một album có ngôn ngữ âm nhạc, một giọng hát và êkip làm việc thực sự chuyên nghiệp, thẩm mỹ cao.
Dưới góc độ kinh doanh, Nắng lên được xếp vào 1 trong 4 album bán chạy nhất thị trường âm nhạc năm 2004. Chỉ trong thời gian ngắn, CD đã bán hết 10.000 bản, và bắt tay vào tái bản. Theo những gì tôi nghe từ giới kinh doanh âm nhạc, đĩa lậu Nắng lên đã vượt qua con số 60.000 bản.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn. |
– Nhiều người nhận xét “Nắng lên” khó nghe, và Thanh Lam chưa khẳng định được cái mới của chị trong CD này. Anh nói sao về điều đó?
– Sự kết hợp của tôi và Thanh Lam làm tốn quá nhiều giấy bút. Người ta có thể thích hoặc không thích, nhưng hãy hỏi, cho đến thời điểm này, đã có CD nào vượt qua được Nắng lên, về ngôn ngữ âm nhạc và giọng hát. Nếu cần thiết, mọi người hãy chứng minh cho tôi xem album đó dở ở chỗ nào.
Tôi mừng vì có người chê sản phẩm của tôi, điều đó chứng tỏ sản phẩm nhận được sự quan tâm. Nhưng tôi mong mọi người chê thật đúng, đừng chê theo cảm tính rồi áp đặt cảm tính đó lên người khác. Trên thương trường, chê và khen có sức công phá như nhau. Với con người như tôi, không thể làm ra một sản phẩm dở.
– Tạo cho mình thương hiệu Lê Minh Sơn gắn với dòng nhạc dân gian, anh nghĩ mình sẽ giữ được phong độ trong bao lâu?
– Âm nhạc của tôi không mới, bởi nó bắt nguồn từ gốc rễ cội nguồn, từ chính con người Việt Nam. Con đường tôi đi hướng tới tính dân gian. Tôi muốn làm những điều các bậc tiền bối đã làm, đó là đề cao tính nhân bản của người dân Việt.
Với những gì đang có, tôi nghĩ khoảng 20 năm nữa tôi mới cạn vốn. Tôi tin sự trường vốn sẽ giúp tôi tạo nên những tác phẩm hay, không lặp lại chính mình. Sáng tạo có nghĩa là tạo ra cái mới. Tất nhiên, mới nhưng vẫn phải hướng tới chân – thiện – mỹ. Tôi thấy xấu hổ với khi viết một bài hát lặp lại chính mình. Nếu không còn sức sáng tạo, tôi sẽ ngừng viết.
– Trong những tác phẩm của mình, điều gì khiến anh tự hào nhất?
– Đó chính là ca từ. Khi mọi người thi nhau khát khao, xót xa, phụ tình, day dứt, tự tử… thì tôi viết về tình yêu lứa đôi trong sáng, quê hương tươi đẹp, và trên hết là tình người. Cũng là tình yêu, nhưng nếu yêu mà đau đớn đến mức chết đi sống lại thì sợ quá. Nhạc Lê Minh Sơn không hay hơn, không mới, không lạ hơn, mà vì âm nhạc của tôi chính là tôi. Mỗi người sinh ra đã là khác nhau, nhưng nhiều người lại để mình ảnh hưởng bởi cái bóng của người khác. Tôi là tôi, là cá thể độc lập luôn sáng tạo.
Tôi tự hào về thứ ngôn từ trong sáng trong mỗi ca khúc. “Bên cạnh làng tôi đất bán hết rồi, chỉ còn nghĩa địa xa xa/ Bên cạnh làng tôi yếm thắm lụa đào ngực cau nhu nhú đã vội đi xa/ Ngày xưa lũ chim về đây, những bông cỏ may lay động bờ đê/ Ngày xưa tiếng ru ầu ơ, tiếng ru mùa đông lay động nhà tranh/ Rặng tre những con chích chòe hót giữa trưa hè… bên cạnh làng tôi”… (Làng bên cạnh).
– Bí quyết nào để anh có được những ca từ hay?
– Khi hạnh phúc, tôi sung sướng tận cùng với niềm hạnh phúc đó. Khi đau khổ, tôi đau khổ tột bậc, và đó là xúc cảm khiến tôi viết nên những ca từ ý nghĩa. Còn có một kinh nghiệm tôi muốn chia sẻ, đó là nên giữ thói quen đọc sách, nghiên cứu ca dao tục ngữ và đừng bao giờ quên học tiếng Việt.
Tình yêu quê hương bắt nguồn từ gia đình. Với tình yêu lứa đôi, mọi người hãy cảm nhận nó, tha thứ và rộng lượng, nâng niu. Làm đàn ông, hãy mở lòng khi yêu thì những cảm xúc thật, những ca từ thật sẽ ùa về. Còn kiểm soát nó thế nào, điều đó lại phụ thuộc vào đẳng cấp của mỗi người.
– Anh thường sáng tác vào lúc nào?
– Tôi viết trong lúc đi trên đường. Con đường quá xa, dài và rộng. Tôi muốn quên rằng mình nhỏ bé, cô độc, và chỉ có âm nhạc mới giúp được tôi.
– Sức ép nghề nghiệp đối với anh là gì?
– Chính là tác phẩm. Cuộc đời người làm nghệ thuật như tôi không ân hận khi dồn hết tâm huyết, bất chấp khó khăn để vươn tới sự hoàn thiện trong nghề. Những thị phi, khen chê nghề nghiệp là chuyện bình thường. Tuy nhiên, tôi cảm thấy bức xúc trước lời nhận xét vô lương tâm, không suy xét trước sau.
– Sống cô độc và bằng lòng với cuộc sống ấy, vì sao anh không chịu thay đổi mình một chút để được lòng người khác hơn?
– Tôi không quen nói xấu người khác, không ghen tỵ và càng không đố kỵ với thành công của họ. Tôi ghét sự yếu ớt, bi lụy, luôn sống bằng lý trí nhưng rất tin vào cảm xúc của con tim mình. Không ai có thể lay động nổi tôi, trừ phụ nữ (cười). Điều đó có thể sai, cũng có thể đúng, nhưng tôi chấp nhận. Cũng may là chưa bao giờ tôi đặt nhầm trái tim. Đó là con người tôi, và tôi không thể thay đổi bản thân mình.
– Anh nghĩ sao trước những lời nhận xét: “Thanh Lam hát ’Ôi! quê tôi’ không hay bằng Tùng Dương”?
– Âm nhạc của tôi không giống nhau, với mỗi thời điểm, xu hướng nhạc lại thay đổi, không lặp lại chính mình. Các bạn nghe nhạc của tôi đừng bao giờ nghĩ rằng người này hát hay hơn người kia, bởi những ca sĩ hát nhạc của tôi mỗi người đều có phong cách riêng, đạt tới những thành công nhất định.
Ngọc Khuê hát Bên bờ ao nhà mình, Chuồn chuồn ớt… những ca khúc mang âm hưởng miền quê đồng bằng Bắc Bộ và đã đi tới tận cùng. Tùng Dương thành công với Ôi quê tôi, Chạy trốn…, một xu hướng khác hẳn với Khuê. Tuy thế, Đá trông chồng Ngọc Khuê hát không tới. Ôi! quê tôi Tùng Dương thể hiện biên độ chưa rộng như tôi mong. Những điều này tôi chỉ tìm thấy ở Thanh Lam, chỉ Thanh Lam mới “thốc” được ca khúc của tôi lên tới khoảng âm tôi muốn.
Có những người yêu tác phẩm tôi, nhưng chưa hiểu hết về tôi. Họ cho rằng tôi đang loanh quanh gói gọn trong 15-20 ca khúc. Tôi muốn nói với họ, tôi sẽ luôn đổi mới, luôn có những cái mới, bằng chứng là 4 album chất lượng sẽ được ra lò trong năm 2005 này.
– Công chúng bàn tán về hiện tượng Lê Minh Sơn bằng con mắt khắt khe, cảm giác của anh thế nào?
– Hiện tượng là nhất thời, tác phẩm mới là mãi mãi. Tôi sẽ chứng minh bản thân bằng chính tác phẩm. Ở tuổi 28, tôi sở hữu 3 CD thành công, và hài lòng với mình. Tôi luôn biết tôi là ai, đang làm gì và sống vì cái gì. Vì sự đam mê, tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả để đi tới tận cùng con đường: đó là nhạc Việt.
– Nhạc của anh khó hát, khó thuộc. Vì sao anh không hướng âm nhạc của mình tới một xu hướng khác ngoài dân gian, để người nghe dễ nghe, dễ thuộc?
– Tôi muốn khi người khác nghĩ tới nhạc của tôi, họ sẽ nhớ ngay tới một không gian âm nhạc đặc trưng. Người nghe chỉ cần thuộc một câu, với tôi đó cũng đã là hạnh phúc. Nhiều người nói với tôi: những ca khúc của tôi nếu tách riêng nhạc và lời, nó trở thành một bài thơ độc lập có vần điệu. Tôi rất vui mừng khi nhận được những lời khen ngợi, động viên của khán giả.
– Một nhạc sĩ tên tuổi gạo cội nhận xét rằng, 25 năm rồi mới có một Lê Minh Sơn. Anh nghĩ gì về lời nhận xét ấy?
– Âm nhạc không thể phát triển như GDP, tăng dần từng năm, mà phải đi qua nhiều thế hệ. Ca sĩ cũng vậy. Hai mươi năm qua đã có ai hát qua Thanh Lam? Chưa có ai sánh được với Thanh Lam về kỹ thuật, về giọng hát trời phú và rất nhiều điều khác nữa.
– Nhiều người nói, anh dựa dẫm vào cái bóng của Thanh Lam quá nhiều, điều đó sẽ không tốt cho anh khi không còn Lam bên cạnh. Anh thấy sao?
– Tôi không biết xu nịnh. Trong con người tôi không tồn tại hai từ xu nịnh. Mỗi người có quan điểm riêng khác nhau, với tôi, Thanh Lam là giọng hát hàng đầu, và là người tôi vô cùng mến mộ. Chỉ vậy thôi.
– Anh nghĩ sao khi đời sống cá nhân của anh bị mổ xẻ nhiều như vậy?
– Làm nghệ thuật phải biết sống chung với tin đồn. Trên thực tế, nghệ sĩ là người làm đẹp cho cuộc sống, và chúng tôi không đáng phải chịu sự mổ xẻ. Tôi không làm điều xấu, luôn làm việc hết mình, trước sau như một không thay đổi. Nhiều người nói tôi không khéo, nhưng đó là con người thật của tôi, mà sự thật thì thường thô ráp.
– Với “Guitar cho ta” chuẩn bị phát hành giữa tháng 5 tới, anh đã mời nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hát ca khúc của mình. Lý do nào khiến anh nghĩ tới chuyện mời ca sĩ này?
– Tôi ngưỡng mộ Đàm Vĩnh Hưng thực sự. Có dịp tham gia vào liveshow của anh ấy, tôi mới biết Hưng đã lao động nghệ thuật nghiêm túc đến mức nào. Ba đêm, mỗi đêm 30 ca khúc, Đàm Vĩnh Hưng đúng là người đam mê âm nhạc quá sức tưởng tượng.
– Nhưng dù vậy, giọng hát Đàm Vĩnh Hưng dường như không hợp với chất liệu dân ca trong các ca khúc của anh. Anh nghĩ sao?
– Sao lại không hợp? Tôi chắc chắn Đàm Vĩnh Hưng hát nhạc Lê Minh Sơn thành công. Tôi đã giao ca khúc cho ca sĩ nào, ca sĩ đó phải phù hợp, không có chuyện ngược lại. Tôi tự tin vào điều đó.
– 4 CD trong năm 2005 có gì nổi bật?
– Guitar cho ta, CD tôi ấp ủ từ ngày còn thơ bé với cây đàn thân yêu, cây đàn đã cho tôi tất cả. Đó là CD bao gồm những tác phẩm hòa tấu, bên cạnh một số ca khúc do Đàm Vĩnh Hưng và Thanh Lam thể hiện.
Sau Ru mãi ngàn năm, êkip chúng tôi tiếp tục thực hiện CD Này em có nhớ với những ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi làm CD này bằng tất cả tình cảm tốt đẹp dành cho tác phẩm của người nghệ sĩ tài hoa bậc nhất Việt Nam.
CD Thanh Lam – một chặng đường với những ca khúc đánh dấu 20 năm ca hát của Diva nhạc trẻ này. Tôi muốn tham khảo ý kiến các fan của Thanh Lam, 20 ca khúc họ thích nghe Lam hát nhất là những ca khúc nào? Mọi góp ý, hãy gửi thư cho tôi theo địa chỉ [email protected].
CD cuối cùng tôi dự định làm trong năm 2005 là Em và đêm. Đó là một album có phong cách âm nhạc khác hẳn với những gì Thanh Lam – Lê Minh Sơn đã thể hiện, hứa hẹn nhiều bất ngờ và bùng nổ.
Lê Bảo thực hiện