Tim Montgomery, vô địch thế giới về chạy 100 mét hiện nay, với thành tích 9,78 giây. |
Quá mức đó, việc tiếp xúc với đất sẽ làm gãy xương chân và làm đứt gân!
Về mặt sinh học, con người tiến hóa rất ít trong 100 năm qua. Tuy nhiên, thể thao vẫn chứng kiến những tiến bộ vượt bậc: Trong một trăm năm, kỷ lục nhảy xa của thế giới đã tăng lên 1,75 mét và nhà vô địch chạy 100 m trong Thế vận hội 1896 – Thomas Burke – chạy chậm hơn 21 mét so với Tim Montgomery, nhà vô địch hiện nay.
Những tiến bộ như thế có thể giải thích được là do những động tác hữu hiệu hơn, kể cả việc sử dụng chất kích thích. Ngoài ra, do sự tham gia đông đảo của nhiều người dự thi, từ đó có thể chọn ra những người tài giỏi nhất. Trong Thế vận hội 1896, chỉ có 241 vận động viên, phần lớn là sinh viên. Ở Olympic Athens này, số người tham dự tăng lên 50 lần.
Thêm nữa, trang thiết bị phục vụ thi đấu cũng được cải tiến nhiều. Nhưng thành tích không phải tất cả đều do dụng cụ, phương tiện hiện đại. Năm 1980, một kinh nghiệm đã được rút ra từ môn nhảy sào. Những vận động viên loại 1, quen với sào làm bằng sợi thủy tinh, đã phải sử dụng sào bằng tre, loại sào truyền thống, không có cái chặn, không có nệm đỡ. Kết quả là họ đã phá kỷ lục của năm 1907, thời kỳ mà các vận động viên đều là nghiệp dư.
Khi trở thành chuyên nghiệp, các vận động viên đã được rèn luyện về cơ bắp. Ngoài ra, sự gia tăng về chiều cao trung bình trong 50 năm qua (từ 1,68 mét lên 1,76 mét) khiến đôi chân dài ra, giúp nhảy cao, nhảy xa hơn.
Mặc dù có năng khiếu về thể lực, được rèn luyện khoa học và được hỗ trợ bằng những vật liệu mới, các vận động viên vẫn phải rất vất vả trước những kỷ lục hiện nay. Theo tính toán của các nhà khoa học, chúng ta đã rất cận kề với những thành tích cuối cùng. Chẳng hạn, người ta đã phát hiện ra sự dậm chân tại chỗ của các thành tích về điền kinh: Tốc độ nhanh nhất của các vận động viên chạy 100 mét đo được trong khoảng 50 đến 60 mét đầu không thay đổi nữa, đồng hồ đo dừng lại ở 11,94 m/giây từ 10 năm nay.
Về nhảy sào, thành tích không hoàn toàn phụ thuộc vào vận động viên. Trong bộ môn này mỗi khi có một vật liệu mới được đưa vào, người ta lại có những kỷ lục mới. Đầu tiên là sào bằng gỗ thông bá hương rồi bằng tre, đến năm 1945 là nhôm. Sự xuất hiện sợi thủy tinh năm 1962-1963 đã làm bùng nổ kỷ lục cũ từ 4,45 mét lên 4,93 mét. Tuy nhiên, sự tiến hóa về kỹ thuật này đòi hỏi phải đi kèm một hệ cơ vai siêu hạng để làm chủ năng lượng phục hồi. Cuối cùng, chỉ có một nhóm người có thể đạt tới 6 mét. Kỷ lục hiện nay của Sergei Bubka là 6,14 mét, có thể còn đứng vững 50 năm nữa.
Tài Hoa Trẻ (theo Ça m’intéresse)