Răng khôn mọc bất thường và cách xử trí

h
 

Những chiếc răng khôn mọc bất thường sẽ dẫn đến các tình trạng sau:
– Sưng lợi: Vì răng khôn mọc ở vị trí trong cùng của hàm nên đồ ăn giắt vào thường khó được lấy ra hết, khiến lợi bị sưng và chảy máu. Lợi của các răng hàm mọc trước răng khôn cũng dễ bị tổn thương.
– Sâu răng: Răng khôn mọc ngang sẽ đâm vào răng hàm ở phía trước; vi khuẩn gây sâu răng trong miệng có thể phá hoại những chiếc răng hàm mọc này.
– Nhiễm khuẩn: Răng khôn mọc chen chúc do không đủ chỗ khiến thức ăn dễ bị kẹt lâu, gây viêm lợi. Tình trạng này cũng có thể xảy ra khi răng khôn hàm trên đập vào lợi của răng khôn hàm dưới. Những chiếc răng này nên được lấy ra trước khi lợi bị nhiễm khuẩn vì khi đã nhiễm khuẩn và hàm bị sưng, độc tố của vi khuẩn sẽ lan rất nhanh từ quai hàm đến cổ họng rồi xuống lồng ngực. Cần đến bác sĩ ngay nếu bệnh nhân sốt cao, không thể mở miệng quá 20 mm, mắt bị sưng và đau.
– Phá chân răng trước: Nếu răng khôn mọc ngầm, nó có thể đâm lên chân răng của răng hàm kế trước và làm hỏng chân những chiếc răng này. Sau khi răng khôn được lấy ra, có thể phải lấy hết tủy của những chiếc răng hàm bị hỏng thì mới giữ chúng lại được.
– Yếu quai hàm: Răng khôn mọc ngầm thường chiếm một chỗ lớn trong quai hàm. Phần quai hàm chỗ nó mọc bị yếu đi vì xương không phát triển được ở đó.
– Đẩy răng cửa lộn xộn: Lúc mọc ra, răng khôn có thể đẩy những chiếc răng cửa chạy lộn xộn. Sự phát triển của hàm trên thường dừng lại trước sự phát triển của hàm dưới. Nếu răng cửa trên và dưới mọc đúng vị trí mà hàm dưới tiếp tục phát triển thì những chiếc răng của hàm dưới sẽ bị đẩy và trở thành không thẳng hàng.
Vì những lý do trên, răng khôn mọc bất thường nên được lấy ra sớm, lúc bệnh nhân còn ở tuổi thanh niên. Nhổ răng khôn ở tuổi này có nhiều cái lợi:
– Thủ thuật nhổ được thực hiện dễ dàng hơn bởi răng và chân răng còn nhỏ.
– Bệnh nhân dễ dàng và nhanh chóng bình phục sau khi nhổ răng.
– Khả năng phát triển của xương còn tốt nên khi nhổ, chỗ chân răng trống được khôi phục nhanh hơn.
Những trường hợp sau không nên lấy răng khôn ra:
– Lớn tuổi: Xương của người lớn tuổi thường rất cứng, việc nhổ răng sẽ khó khăn, thời gian hồi phục cũng dài. Các bệnh nhân này cần được theo dõi kỹ lưỡng bằng cách chụp X-quang 2-3 năm một lần.
– Sức khỏe yếu kém: Nếu bệnh nhân bị nhiều bệnh khác thì việc nhổ răng khôn nên được cân nhắc kỹ. Các bệnh tim, phổi, tiểu đường và máu có thể làm cho việc nhổ răng khôn thêm phức tạp. Trong trường hợp cần nhổ, nha sĩ phải tham khảo thầy thuốc các chuyên khoa khác.
– Ca mổ sẽ ảnh hưởng đến dây thần kinh và tế bào chung quanh: Khi răng khôn nằm gần dây thần kinh xoang mũi hoặc những chiếc răng khỏe mạnh khác, nha sĩ cần cân nhắc kỹ về quyết định nhổ.
BS Nguyễn Tường Thoại, Sức Khỏe & Đời Sống 

Close [X]
1gom
1gom