Nhược thị là sự kém phát triển về chức năng của cơ quan thị giác, xảy ra ở trẻ em. Trẻ bị nhược thị có thị lực kém ở một hoặc hai bên mắt, nhưng có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng. Mắt được gọi là nhược thị khi thị lực dưới 7/10 sau khi đã chỉnh kính tối ưu hoặc khi chênh lệch thị lực giữa hai mắt là trên 2/10. Sự giảm thị lực này không kèm theo bệnh lý thực thể nào hoặc nếu có thì mức độ giảm thị lực đó không tương xứng với mức độ bệnh lý đi kèm.Nguyên nhân thường gặp nhất là chứng lác mắt. Các tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị, lệch khúc xạ), các bệnh ở mắt (như sụp mi bẩm sinh, đục thể thủy tinh bẩm sinh, sẹo giác mạc) cũng gây nhược thị.
Trẻ nhược thị có thể có biểu hiện hay nheo mắt, nghiêng đầu vẹo cổ khi nhìn, đôi khi có nhức đầu, nhức mắt. Tuy nhiên, phát hiện trẻ bị nhược thị không phải việc dễ dàng. Nếu trẻ bị lác hoặc có những bất thường tại mắt thì bố mẹ có thể nhận thấy và đưa trẻ đi khám. Nhưng nhiều khi bệnh không được phát hiện do không có biểu hiện khác thường nào. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ đi khám mắt theo định kỳ để có thể phát hiện sớm và can thiệp kịp thời những vấn đề về mắt.Mục đích điều trị là mang lại thị lực tốt nhất có thể cho mắt bị nhược thị, nhằm cho phép trẻ sử dụng đồng thời hai mắt; đây cũng là cơ sở cho sự phát triển hoàn thiện thị giác hai mắt. Ngoài điều trị nguyên nhân các bệnh tại mắt, bệnh nhân phải kích thích sử dụng mắt nhược thị bằng cách đeo kính, bịt mắt lành, tập chỉnh quang hoặc phẫu thuật…
Điều trị nhược thị cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Các yếu tố quyết định thành công của là sự hiểu biết và phối hợp của các bậc phụ huynh, tuổi của trẻ, mức độ nhược thị cũng như các bệnh mắt kèm theo. Sau khi đã điều trị khỏi, trẻ vẫn cần được theo dõi lâu dài để phòng nhược thị tái phát.
BS Đỗ Quang Ngọc, Sức Khỏe & Đời Sống