Trần Quang Quý không chỉ sống cho hoài niệm

Nhà thơ Trần Quang Quý.
Nhà thơ Trần Quang Quý.

– Anh đã đến với văn chương như thế nào?
– Tôi cũng giống nhiều người cùng thế hệ, đến với văn chương như một sự tình cờ. Tình cờ ở chỗ, khi còn đi học phổ thông chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là người sáng tác văn học. Tôi đi bộ đội cuối những năm chống Mỹ. Chính những năm tháng đầy biến động và tâm trạng ấy, văn chương lại tình cờ đến với tôi như một sự giải tỏa của tâm hồn. Thời gian về sau, sáng tác mới thành ý thức rõ rệt khi chấp nhận dấn thân vì nó.
– Nhà văn ít nhiều đều chịu ảnh hưởng lối viết của một dòng văn học nào đó, nhưng có người nói nghệ thuật là sự chối từ, chối từ cái cũ, chối từ sự lặp lại bản thân. Anh nghĩ sao về điều này?
– Nếu nói “nghệ thuật là sự chối từ” chung chung như vậy tôi không đồng ý. Nghệ thuật, văn hóa là bề dày cội rễ của con người. Chúng ta sống hôm nay là có dòng máu truyền sinh của ngày hôm qua. Tuy nhiên, đúng là nghệ thuật cũng phải biết chối từ. Bởi đơn giản, cuộc sống luôn vận động, biến đổi. Tiết tấu đời sống hôm nay không còn chấp nhận hơi thở đều đặn, chậm chạp của ngày hôm qua… Vì vậy, nhu cầu đổi mới là tất yếu. Đối với tôi, hồn cốt nhân sinh đã thấm nhuần trong máu mình, nhưng tôi muốn làm khác những gì đã cũ ở ngay mình bằng hệ thống tư duy, hình tượng, những dạng trở của cảm xúc dồn nén trong câu chữ, lối tu từ, đảo ngữ… của riêng mình và không để nó cũ mòn với xu thế đương thời.
– Tập thơ “Giấc mơ hình chiếc thớt” đã hoài thai trong bao lâu và anh viết nó trong trạng thái nào?
– Thật sự mà nói, có thời gian kéo dài cả năm trời tôi không tài nào viết nổi một câu thơ cho ra hồn. Nhưng với tập thơ này chỉ trong vài tháng, dường như cảm xúc ào ạt đến tựa mạch nước ngầm, nó cứ kéo tôi chạy theo và tôi viết rất khỏe.
– Anh gửi gắm gì trong hình ảnh “chiếc thớt”?
– Đó là những thực thể tồn tại trong cõi nhân sinh. Đó cũng là bi kịch của kẻ mạnh, kẻ yếu đời đời tiếp diễn. Và trong mối quan hệ ấy, trước những định lý mang tính định mệnh, kẻ yếu thế có khát vọng đổi đời nào hơn là mơ những giấc mơ? Biết bao những thân phận đáng cảm thông chia sẻ đã đẻ ra lối nói ngược trong Giấc mơ hình chiếc thớt.
– “Đường trăng” cũng chính là “khu vườn cổ tích, ngõ vàng thôn dã, tiếng rơm rạ mùa gặt”. Trong tâm thức người sống ở phố, anh vẫn mơ về một đường trăng và sống nhiều cho hoài niệm cũ?
– Tôi không chối bỏ cội rễ của mình, vùng quê ven sông Đà đã cho tôi lớn lên. Biết bao người thân tôi còn ở đó với tất cả buồn vui và những thi ảnh có sức đeo bám. Nhưng tôi không chỉ sống cho hoài niệm, mà đúng hơn, muốn mang những hoài niệm rót vào cuộc sống hôm nay để làm mới nó, để nó mang một ý nghĩa biểu đạt mới.
– Cái gì đã nuôi dưỡng hồn thơ Trần Quang Quý?
– Ký ức hay đời sống thôn quê là mảng đời, là nguồn cảm hứng sáng tác rất quan trọng trong thơ tôi. Nơi ấy: “Những thửa ruộng, như con dấu vuông đóng dấu đời người trên bùn đất… Nơi ông bà tôi đã yên rồi, bóng dáng người di cảo trong hạt thóc… Tất cả cùng hái gặt trên cánh đồng này, và cánh đồng đã gặt hái họ” (bài Cánh đồng).
– Anh nghĩ sao về lao động nghệ thuật?
– Cả đến cụ Nguyễn Du cũng than lên một tiếng “mua vui”. Nghề thơ nó nghiệt ngã lắm thay! Vì vậy tôi mới nói là “dấn thân”. Làm thơ, theo thơ đến giờ phút này thì nó là công việc của cả đời rồi còn gì. Thôi chả biết việc mình làm sẽ đến đâu, có ích được cho ai không, nhưng đó là việc mình đã yêu thích, đã “dấn thân”. Và cũng học cụ Nguyễn Du, với mình thì tâm niệm việc của đời, khi ngoại giao thì cũng theo cụ bảo đấy là “mua vui”.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)

Close [X]
1gom
1gom