Sự hợp tác này sẽ cứu MG Rover thoát khỏi nguy cơ phá sản, mang lại sức sống mới hãng đồng thời giúp công ty ôtô Thượng Hải (SAIC) đặt chân vào thị trường châu Âu. Tuyên bố của MG Rover đưa ra nhằm trấn an dư luận đang lo ngại về tình hình tài chính của công ty. Kết quả của các thương thảo sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới 6.000 chỗ làm tại nhà máy của MG Rover ở miền trung nước Anh.
Mẫu sedan MG-ZS của MG Rover. |
John Towers, người đứng đầu Phoenix Venture Holdings, công ty cổ phần đã mua lại MG Rover với giá chỉ 10 bảng cách đây 4 năm phát biểu: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng cả chúng tôi và SAIC đều muốn các đàm phán mang lại một kết quả tốt đẹp”.
Trong khi đó, SAIC tỏ ra lo ngại về khả năng phải gánh chịu khoản nợ lương hưu 400 triệu bảng (750,7 triệu USD), cộng thêm một loạt các nghĩa vụ pháp lý phải đối mặt tại MG Rover nếu công ty này phá sản. Theo một nguồn tin thân cận với cả hai bên, quyết định cuối cùng sẽ đưa ra vào thứ sáu tới.
Theo thoả thuận, SAIC có thể sẽ sở hữu 70% của liên doanh, phần còn lại thuộc MG Rover. Hãng xe Anh, từng có thời là biểu tượng của ngành công nghiệp xe hơi xứ sở sương mù, ra đời năm 1905. Nó bị bán lại cho tập đoàn BMW của Đức vào thập kỷ 1990 trước khi trở lại tay người Anh 4 năm trước.
SAIC trước đó đe doạ sẽ rút lại các cam kết về việc thành lập liên doanh nếu như Tower cũng như các chủ sở hữu khác của MG Rover không thể bảo đảm về mặt tài chính. Đó là lý do khiến Bộ Thương mại và công nghiệp Anh phải cân nhắc đến khả năng cho MG Rover vay 100 triệu bảng.
Nếu MG Rover phá sản, đó sẽ là một đòn nặng nữa giáng mạnh vào uy tín của chính phủ Anh hiện nay. Năm ngoái, do làm ăn thua lỗ, hãng Ford đã cắt giảm sản lượng và sa thải nhân công của nhà máy sản xuất Jaguar, hiệu xe sang trọng hàng đầu nước Anh.
Ngoài ra, MG Rover còn nợ BMW 500 triệu bảng. Tuy nhiên, khoản nợ này không phải thanh toán trước thời hạn năm 2049 nếu công ty không làm ăn có lãi trở lại, người phát ngôn của BMW cho biết.
(Theo Reuters)