Luật lệ nào cho một cuộc chiến phi luật lệ?

guan2-1348578803_480x0.jpg
Tù nhân bị bắt trong cuộc chiến Afghanistan tại trại giam X-ray của Mỹ ở vịnh Guantanamo.

16 tháng sau khi những tù nhân đầu tiên được đưa đến vịnh Guantanamo, Mỹ vẫn cầm giữ trong nhà lao hơn 600 người thuộc 42 quốc tịch. Họ bị bắt ở Afghanistan và các chiến trường của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Mỹ phát động.
Đây chính là nguyên nhân bất đồng giữa chính quyền Bush với các nhà ngoại giao châu Âu, các nhóm hoạt động nhân quyền và tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC). Câu hỏi đặt ra là những người bị giam này được hưởng quy chế áp dụng cho tù binh chiến tranh (POW) theo công ước Geneva, hay chỉ được những quyền lợi hạn chế dành cho các chiến binh phi pháp, hay là một thứ gì lửng lơ ở giữa.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất trong lịch sử vi phạm các quy định về bảo vệ công dân hoặc tù binh chiến tranh. Trong cuộc chiến Iran – Iraq, cả hai bên đều đã vi phạm các quyền của tù binh và chỉ trao trả họ sau nhiều năm giam giữ. Tại nhiều cuộc xung đột nồi da xáo thịt như ở Chechnya và Nam Tư, các chiến binh thậm chí còn coi dân thường là mục tiêu tấn công.
Tuy nhiên, dưới con mắt của các chuyên gia luật quốc tế, những hành động của Mỹ từ sau sự kiện 11/9 đã huỷ hoại uy tín và sức mạnh của các quy định luật pháp được tôn trọng từ lâu.
“Khi cường quốc số 1 toàn cầu sổ toẹt cả bộ máy luật pháp quốc tế, nó giống như việc một ông vua đầy quyền lực tuyên bố rằng luật pháp không phải để áp dụng cho ta”, Kevin Clements, tổng thư ký tổ chức nhân quyền mang tên International Alert ở London, nói.
Nửa thế kỷ trước, các nhà ngoại giao khi xây dựng công ước Geneva chỉ đề cập đến các chiến binh thuộc quân đội chính phủ, mà không xét các trường hợp chiến binh phi chính phủ, vẫn chiến đấu sau khi chiến tranh chính thức đã chấm dứt. Công ước nhằm hạn chế những cuộc tàn sát thường dân đã xảy ra trong hai thế chiến, bằng cách quy định phân biệt rõ ràng giữa lực lượng quân sự và dân thường. Binh lính được phép giết đối phương cũng là lính chiến, nếu đối tượng thuộc quân đội chính phủ, hành động theo lệnh cấp trên, mặc quân phục và công khai mang theo vũ khí. Các nước tham chiến phải bảo vệ thường dân, tránh cho thường dân khỏi thương vong do vũ khí hoặc do những chiến lược gây chết người hàng loạt.
Theo giáo sư luật quốc tế Ruth Wedgwood thuộc Viện nghiên cứu quốc tế (SAIS) ở Washington, đến thập niên 70, công ước được sửa đổi, sau một loạt các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chẳng hạn như ở Việt Nam. Năm 1977, một nghị định thư bổ sung cho phép giảm bớt các tiêu chuẩn xác định tù binh chiến tranh, theo đó, các quân nhân có thể trà trộn cùng dân thường cho tới khi nào họ được lệnh triển khai chiến đấu.
Tuy nhiên, năm ngoái Mỹ tuyên bố rằng các điều kiện quy định trong công ước Geneva không được áp dụng cho những người bị bắt ở Afghanistan. Washington coi họ là những “chiến binh phi pháp” – một khái niệm bị các nhóm hoạt động nhân quyền và Chữ thập đỏ kịch liệt phản đối. “Những người bị giam trong nhà tù ở vịnh Guantanamo đang ở trong vị thế pháp lý khó khăn và không rõ ràng”, ông Clements nói.
Mới đây Mỹ đã phóng thích khoảng 30 tù nhân, trong đó có cả trẻ vị thành niên. Tuy nhiên sẽ lại có các tù nhân mới đến.
Hiện Washington lại gặp một vấn đề hóc búa khác ở Iraq. Tuần trước, Lầu Năm Góc tuyên bố đang giam giữ khoảng 200 chiến binh nước ngoài và một số dân quân Fedayeen. Những người này chiến đấu chống quân đội Mỹ, nhưng không thuộc phiên chế của quân đội chính quy Iraq, và có thể không được coi là tù binh chiến tranh.
ICRC và các tổ chức nhân quyền có thể giải quyết tình trạng mập mờ về vị thế của các chiến binh này bằng cách giải thích công ước Geneva, theo đó các chiến binh có thể không cần hội đủ 4 điều kiện nói trên vẫn được bảo vệ như POW.
Nếu được coi như tù binh, những người bị giam ở Guantanamo phải được xét xử trong hệ thống pháp luật giống như đối với quân nhân Mỹ. Tuy nhiên, họ cũng có thể bị xử theo cáo buộc tấn công các mục tiêu quân sự của Washington.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất hiện nay là việc phải thả tù nhân khi chiến sự kết thúc, như quy định của công ước. Theo Gabor Rona, cố vấn luật của ICRC, việc giam giữ tù nhân phải dựa trên cơ sở họ bị buộc là tội phạm và phải trải qua các quá trình pháp lý, bắt đầu bằng việc tù nhân được kiện chống tình trạng bị giam. Nhưng cho đến nay, các toà án dân sự Mỹ tuyên bố họ không có nhiệm vụ liên quan đến các vụ giam giữ ở Guantanamo. Mới đây, Toà án tối cao đã bác bỏ kiến nghị của liên đoàn các học giả, giáo sư và luật sư Mỹ, thay mặt những người bị bắt trong cuộc chiến Afghanistan, phản đối việc giam cầm họ trong nhà tù nói trên.
Xét xử thế nào cũng là vấn đề gay go. Đầu tháng này, Lầu Năm Góc đã thông báo rằng thay vì sử dụng hệ thống toà án quân sự, chính quyền Bush sẽ lập những uỷ ban truy tố. Những uỷ ban này có trách nhiệm cứu xét các tội danh, từ tội phạm chiến tranh đến khủng bố hoặc trá hàng.
Các nhà phân tích nhận xét rằng các uỷ ban này sẽ thực hiện việc kết tội nhiều hơn là xét xử, bởi nó hạn chế quyền bào chữa trực tiếp của luật sư biện hộ. “Những toà kiểu này chỉ để buộc tội mà thôi”, ông Michael Rattner thuộc Trung tâm bảo vệ các quyền hợp hiến, ở New York, nhận xét.
Những người bị giam ở Guantanamo đã có các hành động thuộc nhiều loại khác nhau. Trong đó, các đối tượng khó phân loại nhất là những người có hành vi giống khủng bố hơn là chiến binh khi ở đất Iraq, hoặc những nhân vật bị bắt ngoài Afghanistan. Chẳng hạn trường hợp một người Iraq lái một chiếc taxi và cho nổ tung mình ở một trạm kiểm soát, khiến 4 lính Mỹ chết. Nếu còn sống, người này sẽ bị xử theo luật Iraq, luật Mỹ hay xét xử bởi toà án tội phạm quốc tế – định chế mà cả Iraq lẫn Mỹ đều chưa công nhận. Một số luật gia cho rằng những bị cáo kiểu này phải được coi là tội phạm khủng bố.
Việc không phân loại được dẫn đến đối xử sai lạc với các chiến binh chỉ là một trong những vi phạm của Mỹ đối với công ước Geneva. Các tổ chức nhân quyền khẳng định rằng Mỹ đã không tuân thủ lệnh cấm sử dụng bom chùm ở các khu dân cư, và dung túng cho nạn cướp bóc tràn lan ở Iraq những ngày đầu chiếm đóng.
Một sự vi phạm nghiêm trọng nữa, theo bà Ruth Wedgwood, là việc Iraq sử dụng thường dân làm lá chắn sống, trá hàng để tấn công quân đội Mỹ, cất giấu đạn dược ở bệnh viện, và khai hoả từ trong các giáo đường.
Trước chiến tranh Iraq, Mỹ đã đề xướng một số thay đổi trong công ước Geneva, tuy nhiên ý kiến này đã bị bác ngay trong một cuộc hội thảo do Đại học Havard tổ chức tháng giêng năm nay. Nhà phân tích François Bugnion, trưởng bộ phận tư pháp của ICRC tại Geneva, lưu ý rằng ngay sau hai cuộc thế chiến, người ta cũng không chỉnh sửa các điều khoản của công ước, bởi kinh nghiệm cho thấy điều đó là “rất khó khăn và không hiệu quả”, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang chứng kiến.
Trong bối cảnh hiện nay, với các vụ đánh bom liều chết, tấn công khủng bố và các cuộc đột kích của du kích, đối tượng bị thương tổn có lẽ bao gồm cả công ước về tù binh chiến tranh.
T. Huyền (theo IHT, Reuters)

Close [X]
1gom
1gom