Jimmii Nguyễn: ’Tôi đến với âm nhạc từ những nỗi đau’

Ca sĩ Jimmii Nguyễn.
Ca sĩ Jimmii Nguyễn.

– Cảm nhận của anh khi nhận được giấy phép biểu diễn tại Việt Nam?
– Tôi thấy hạnh phúc vì từ bây giờ có thể đến với công chúng một cách đàng hoàng. 7 năm chờ đợi kể từ khi bị cấm biểu diễn ở Việt Nam là quãng thời gian quá lãng phí nên bây giờ, tôi muốn nhanh chóng ra mắt khán giả. Tôi là người Việt Nam, sáng tác và hát nhạc Việt nên không thể cứ viết ca khúc trên đất Mỹ mà phải về quê hương, cảm nhận được nền văn hóa và tinh hoa của dân tộc thì mới có những sáng tác hay.
– Anh đến với âm nhạc như thế nào ?
– Mọi chuyện bắt nguồn từ những nỗi đau và sự day dứt về những người thân yêu. Tôi đã mất đi người em gái duy nhất khi nó 13 tuổi, vài tháng sau, người yêu tôi cũng bị nạn. Những ngày đó, tôi quá đau khổ và đã đốt cả ngôi nhà của mình cùng với hình ảnh và kỷ vật của người yêu rồi tự tử. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình trong bệnh viện, những ngày nằm trên giường bệnh, tôi suy nghĩ rất nhiều và quyết định đến với âm nhạc. Tôi không mong sự nổi tiếng mà chỉ mong được giãi bày nỗi đau của mình.
– Có phải vì vậy mà trong các sáng tác của anh đều phảng phất nỗi buồn?
– Mỗi bài hát của tôi đều là một câu chuyện, hay đúng hơn là một bức tranh vẽ lên sự đau buồn nhưng không bao giờ khán giả nghe xong cảm thấy chán đời. Với tôi, mỗi sáng tác chỉ đơn giản là những khúc tâm tình của một người chịu nhiều mất mát. Tuy nhiên, tôi cũng có rất nhiều tác phẩm nói về quê hương với giọng điệu rất tươi mới và trong trẻo như Bài ca trở về, Mùa xuân ca giữa quê hương… Tôi muốn khán giả biết rằng, dù đi đâu về đâu, trái tim mình vẫn luôn hướng về cội nguồn.
– Nhiều ca sĩ hải ngoại đã về nước định cư, còn anh thì sao?
– Rất có thể tôi sẽ về Việt Nam sinh sống bởi lá trên cây còn về ôm lấy đất huống chi là con người? Vài năm trước, tôi chứng kiến cảnh một ông già ngồi giữa trời giá lạnh ôm lấy chiếc bình đựng tro thi hài của người vợ, tôi đến hỏi ông có cần giúp gì không? Ông già nói: “Vợ tôi đã đi xa, họ hàng không có, sau nhiều năm lao động ở xứ người tôi chỉ ước ao về lại quê hương để sống nốt cuộc đời còn lại, để không còn phải cô đơn như bây giờ”. Từ câu chuyện đó, tôi đã viết ca khúc Nỗi niềm kẻ ở miền xa và tự nhủ mình không bao giờ lâm vào hoàn cảnh như như ông già đó.
– Sau nhiều năm trở lại Việt Nam, anh có nhận xét gì về nhạc trong nước?
– Nhạc Việt Nam bây giờ rất phong phú và có nhiều ca khúc rất hay, bộc lộ được tài năng của người sáng tác. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy một số bài hát bị ảnh hưởng phong cách nhạc Thái, nhạc Hàn Quốc.
– Có ý kiến cho rằng sống ở hải ngoại nhưng anh không bao giờ có ý định hòa nhập với làng nhạc hải ngoại. Anh nghĩ gì về nhận xét này?
– Họ đã nhận xét đúng vì ước muốn lớn nhất của tôi là được hòa nhập với quê hương chứ không phải hòa nhập với làng nhạc hải ngoại. Bởi vậy mà tôi chưa một lần tham gia vào các đêm nhạc do một trung tâm băng nhạc nào ở bên đó tổ chức. Cho đến bây giờ, tôi thấy sự lựa chọn của mình là đúng. Tuy vậy, tôi vẫn rất cảm ơn những khán giả hải ngoại đã ủng hộ và yêu mến mình suốt nhiều năm qua.
– Dự định sắp tới của anh tại Việt Nam?
– Tôi sẽ biểu diễn ngoài trời ở Hà Nội tại hồ Hoàn Kiếm hôm 3/2, sau đó là một đêm nhạc tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Khoảng cuối tháng 2 hoặc tháng 3, nếu không có thay đổi, tôi sẽ tổ chức live show. Sau đó, tôi và nhạc sĩ Trần Tiến sẽ bắt tay vào chuẩn bị cho chuyến biểu diễn xuyên Việt với tên gọi Trần Nguyễn du ca.
Hải Anh thực hiện

Close [X]
1gom
1gom