Ca sĩ Đan Trường không thể nhớ hết được các show diễn của mình? |
Một trong 12 người hăng hái đến nhận tờ kê khai theo giấy mời của Cục thuế TP HCM là đạo diễn sân khấu thời trang Hữu Dũng, để rồi tự phát hiện ra rằng mình không thuộc vào nhóm đối tượng phải đóng thuế. Anh Dũng cho biết, hiện nay, thu nhập của anh chủ yếu trông vào nghề đạo diễn ở 2 sân khấu thời trang IDECAF và Nhà hát TP HCM. IDECAF diễn đều đặn 1 suất/tuần trong khi Nhà hát thành phố thì tháng có tháng không. Tại IDECAF, thù lao cho đạo diễn sân khấu thời trang là 200.000 đồng/show, tại Nhà hát thành phố là 150.000 đồng/show, mà mức khấu trừ tại nguồn 10% thu nhập chỉ áp dụng cho khoản thù lao từ 300.000 đồng trở lên.
Thuộc vào hàng top về cát xê biểu diễn, ca sĩ Đan Trường cử người đại diện của mình tới làm việc với Cục thuế. Tuy nhiên, người đại diện này cũng đi cùng tờ kê khai mà không quay trở lại. Lý do mà Đan Trường, một trong những ca sĩ chắc chắn có thu nhập từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng/tháng, chưa chịu kê khai thuế thu nhập hàng năm là: không nhớ hết các show diễn trong năm. Ngoài ra, giới ca sĩ chưa thuận với những quy định về thuế, vì họ cho rằng đã nộp thuế thông qua 10% thu nhập chặn trừ được áp dụng ở nhiều nhà hát, sân khấu biểu diễn. Tuy nhiên, đây chỉ là một hình thức quản lý, mà cũng chỉ được áp dụng ở một số nơi như Nhà hát Hòa Bình, Bến Thành, Trống Đồng, 126… Còn một số nơi như phòng trà Tiếng tơ đồng, M&Tôi… thì lại bỏ qua.
Ngay trong danh sách 120 nghệ sĩ được xem là có thu nhập cao thì cũng bỏ sót, vơ nhầm đối tượng rất nhiều. Một số người gần như không còn hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật như hoa hậu Lý Thu Thảo, đã chuyển sang kinh doanh, nhạc sĩ Việt Anh, đang du học tại New Zealand,… vẫn có tên trong danh sách.
Ông Nguyễn Mạnh Khôi, Trưởng phòng thuế thu nhập Cục thuế TP HCM, quyết tâm sẽ thực hiện đúng việc thu thuế. Từ tháng 3/2003, phòng thuế thu nhập sẽ phối hợp với Sở Văn hóa – Thông tin và phòng PA 25 để làm việc cụ thể với các hãng băng đĩa, tụ điểm vui chơi giải trí…
(Theo Thể Thao – Văn Hóa)