“Sự thật là không phải tất cả những người Hồi giáo đều là khủng bố, nhưng cũng thật đau xót là hầu hết những tên khủng bố lại là người Hồi giáo”, Abdel Rahman al-Rashed, Tổng giám đốc đài truyền hình Al Arabiya, phát biểu.
Viết trên tờ Al Sharq al Awsat, Rashed nói rằng “thật đáng xấu hổ và đê hèn” khi không chỉ những kẻ bắt cóc con tin ở Beslan là người Hồi giáo mà những kẻ giết người Nepal ở Iraq, những kẻ tấn công các toà nhà dành cho người nước ngoài ở Riahdh và Khobar, Ảrập Xêút, những phụ nữ được cho là đã làm nổ tung 2 chiếc máy bay ở Nga và bin Laden đều là người Hồi giáo.
“Đa số những người đánh bom tự sát nhằm vào xe buýt, ôtô, trường học, các toà nhà trên toàn thế giới đều là người Hồi giáo”, ông viết. “Thật là một “thành tích” đáng ghê tởm. Liệu nó có nói lên điều gì về bản thân chúng ta, xã hội và văn hoá của chúng ta hay không?”.
Rashed, cũng như nhiều nhà bình luận khác đặc biệt chú ý đến Yusuf al-Qaradawi, một giáo sĩ Ai Cập sống tại Qatar. Ông này từng kêu gọi giết hại người Mỹ và “những kẻ chiếm đóng” ở Iraq, dù là quân sự hay dân sự.
“Chúng ta hãy suy ngẫm những gì vị giáo sĩ này ủng hộ, thậm chí kêu gọi giết hại dân thường”, ông viết. “Làm sao chúng ta có thể tin tưởng khi ông ta bảo chúng ta rằng Hồi giáo là đạo của hoà bình và khoan dung trong khi ông ta lại biến nó thành thứ tôn giáo của máu và giết người”.
Rashed nói rằng trong quá khứ, thánh đường là thiên đường của “hoà bình và sự hoà hợp” và những người thuộc cánh tả, những người theo chủ nghĩa dân tộc trong thế giới Ảrập bị coi là “những mối đe doạ” bởi chủ chương dùng bạo lực.
“Rồi đến đạo Hồi mới, một thứ tôn giáo vô tư và nhân ái ngăn cấm cả việc chặt cây trừ khi cấp thiết và hành động giết người bị cho là tội ác đáng ghê tởm. Nhưng tôn giáo đó đã bị biến thành thông điệp về lòng hận thù và tiếng khóc vì chiến tranh trên toàn thế giới”, Rashed nhận định.
Faisal al-Qina’I, nhà bình luận của tờ Al Siyassa của Kuwait, cũng chỉ trích Qaradawi. “Thật đáng buồn khi đọc và nghe tin tức về những người được cho là các giáo sĩ Hồi giáo như Yusuf al-Qaradawi và một số người giống ông ta. Thay vì bảo vệ đạo Hồi, họ khuyến khích những hành động dã man và cho phép chặt đầu, bắt cóc con tin và giết người”.
Tại Jordan, một nhóm các giáo sĩ Hồi giáo đã gặp gỡ Bộ trưởng Các vấn đề về tôn giáo Ahmed Heleil và ra tuyên bố hôm qua rằng việc bắt cóc con tin ở Bắc Ossetia đã làm “hoen ố hình ảnh trong sạch của đạo Hồi”.
“Hành động khủng bố này trái ngược với những quy tắc của đạo Hồi cũng như những giá trị cao quý của tôn giáo này”, tuyên bố có đoạn.
Trên nhật báo Ad Dustour của Jordan, nhà bình luận Bater Wardam nhấn mạnh rằng thế giới Ảrập có xu hướng “đổ lỗi cho những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái, cơ quan tình báo Israel và cơ quan tình báo Mỹ nhằm biện hộ cho những hành động tội ác của các tổ chức khủng bố Hồi giáo, nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng đó không phải là sự thật”.
Ông viết về những người bắt cóc và giết hại dân thường tại Iraq, làm nổ tung tàu chở khách ở Tây Ban Nha, nổ tung máy bay và bắn giết trẻ em ở Nga: “Họ là người Ảrập và người Hồi giáo. Họ cầu nguyện, ăn chay, để râu, yêu cầu che mặt và kêu gọi bảo vệ các nguyên tắc của đạo Hồi”, ông nói. “Vì vậy chúng ta phải lên tiếng, không thừa nhận họ và phản đối những tội ác của họ”.
Tại Beirut, Rami G. Khouri – Tổng biên tập tờ Daily Star – viết rằng trong khi đa số người Ảrập đồng cảm với lực lượng vũ trang Palestine hoặc các du kích Libăng, những người chống lại lực lượng chiếm đóng Israel, “tất cả chúng ta đã bị cho là vô nhân tính và vô nhân đạo bởi những hình ảnh người Ảrập bắt cóc và chặt đầu các con tin nước ngoài”.
Hassan al-Batal, một nhà bình luận Palestine, viết trên Al Ayyam rằng “ngày kinh hoàng tại trường học của Nga” nên được coi là ngày toàn thế giới lên án chủ nghĩa khủng bố. “Không có sự biện hộ nào cho hành động vô nhân tính và man rợ đó”, ông nói về vụ bắt cóc con tin ở Beslan.
Tại Ai Cập, tờ Al Ahram gọi sự kiện đó là “tội ác man rợ chống lại loại người”.
Còn ở Ảrập Xêút, nơi báo chí bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ và thường bị những người theo trào lưu chính thống tấn công, những lời chỉ trích thậm chí còn gay gắt hơn.
Dưới tiêu đề ’Những tên đồ tể mượn danh thánh Allah’, Khaled Hamed al-Suleiman, nhà bình luận của nhật báo Okaz, nói: “Những kẻ tuyên truyền thánh chiến đã thành công trong việc bóp méo hình ảnh của đạo Hồi”.
“Họ đã khiến người ta liên tưởng đạo Hồi với những vụ chặt đầu, cắt cổ, bắt cóc người vô tội và làm họ nổ tung”, ông nói. “Họ khiến hình ảnh của người Hồi giáo trong con mắt của thế giới là những kẻ dã man và tàn bạo, những kẻ không làm gì tốt hơn việc giết người”.
Ông cũng bổ sung: “Đã đến lúc người Hồi giáo phải tìm cách thoát khỏi những kẻ đã mượn danh đạo Hồi để làm nhiều việc xấu xa như bắt cóc trẻ em vô tội. Đây mới thực sự là thánh chiến và đó là trách nhiệm của chúng ta, những người Hồi giáo ngoan đạo”.
Ngọc Sơn (theo NYT)