’Cần nâng mức sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài’

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, hiện nay, đại bộ phận các doanh nghiệp đều có quy mô nhỏ so với thế giới cho nên tỷ lệ khống chế trên quá thấp, khó có thể thu hút được nhà đầu tư chiến lược (có vốn, công nghệ, trình độ quản lý, thị trường tiêu thụ…) tham gia vào các doanh nghiệp cổ phần. Điều này sẽ làm cho công ty trong nước không tranh thủ được những ưu thế của nhà đầu tư nước ngoài.
“Mức khống chế này còn làm giảm tính thanh khoản của cổ phiếu, từ đó hạn chế khả năng huy động vốn của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhỏ, thiếu vắng các nhà đầu tư có tổ chức và các nhà tạo lập thị trường”, ông Hải nói.
Theo ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường niêm yết của Việt Nam trong 3 năm qua là những nhân tốc tác động tích cực đến sự sôi động của hoạt động chứng khoán. Tuy nhiên do những hạn chế về khung pháp lý, tỷ lệ sở hữu… đã làm cho nhà đầu tư nước ngoài chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.
“Việc quy định nhà đầu tư nước ngoài chỉ được nắm giữ tối đa 30% tổng số cổ phần của tổ chức phát hành đến nay đã không đáp ứng được nhu cầu. Hiện đã có đến 11/24 công ty niêm yết do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ gần đạt mức sở hữu tối đa là 30%”, ông Sinh cho biết.Hiện nay, tổng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào các doanh nghiệp Việt Nam chỉ khoảng 200 triệu USD trong 70 công ty cổ phần.
Theo VAFI, hầu hết các tổ chức nước ngoài đều là các quỹ nhỏ đã hoạt động lâu ở Việt Nam, hiện chỉ còn 6 quỹ với số vốn trên 240 triệu USD. Đã có 6 quỹ ngừng hoạt động trước thời hạn với số vốn rút về nước khoảng 250 triệu USD.
Trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thì việc mở rộng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài là rất cần thiết để tranh thủ vốn, kinh nghiệm quản lý và công nghệ mới để phát triển sản xuất. Bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc thu hút đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài là rất cần thiết và phải đưa vào thành một bộ phận của Luật Đầu tư mới. Để làm được điều này phải xác định rõ các lĩnh vực, ngành nghề cấm, hạn chế tỷ lệ sở hữu, còn lại thì mở cho nhà đầu tư và doanh nghiệp nhận nguồn vốn này tự quyết định cơ cấu sở hữu và quản trị nội bộ phù hợp với Luật Doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Hồng Đởm, Tổng Giám đốc Transimex Sài Gòn, cho rằng, Thủ tướng Chính phủ cần phê duyệt những danh mục ngành nghề có tính truyền thống, độc quyền và gắn chặt lợi ích an ninh, chính trị thì nên khống chế ở mức thấp. Còn lại hững lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, hàng không, các ngành nghề sản xuất hàng xuất khẩu, mặt hàng có tính cạnh tranh cao, lĩnh vực đã cho nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư 100% vốn… cần cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia từ 40 đến 100% vốn để tận dụng những công nghệ, thị trường của họ để phát triển doanh nghiệp.
Chi sẻ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, ông Đặng Văn Thanh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, cho biết, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn trong các doanh nghiệp thông thường như ngành nghề xuất khẩu, sản xuất, dịch vụ có tính cạnh tranh… và được sở hữu tối đa 100%.
“Những ngành nghề nhạy cảm như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông tỷ lệ giới hạn của các nước thường là 49%. Đây là những lĩnh vực cần phải huy động vốn nhiều, đòi hỏi công nghệ cao nhằm phát triển doanh nghiệp. Việc mở rộng tỷ lệ sở hữu sẽ giúp các nhà đầu tư chiến lược rót vốn vào để phát triển”, ông Thanh nói.
Ngọc Quang

Close [X]
1gom
1gom