Khi những năm mà việc trồng rừng đã thành cả phong trào rộng thì ông Cao lại nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của người dân cần những giống cây lâm nghiệp đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Vậy là ông tìm tài liệu hướng dẫn cách ươm những giống cây quý này và mày mò học theo để đến bây giờ ông đã trở thành “vua” nhân giống lâm nghiệp có tiếng của tỉnh Quảng Ninh.
Còn ở xã Liên Vị, huyện Yên Hưng nhiều người lại biết đến anh Đỗ Hữu Tờ như một ông vua “đầm”. Anh tâm sự: “Quê tôi gần biển nên có tiềm năng về thuỷ sản với 20 chiếc đầm, tổng diện tích gần 2.000 ha. Nhưng trước đây số đầm này do HTX quản lý và do thiếu vốn, kinh nghiệm nên gần như bị hoang hoá. Năm 1996, địa phương tổ chức đấu thầu 180ha đầm đầu tiên, không ai trong xã Liên Vị dám “ném tiền” xuống biển chỉ có mình tôi nhận…”. Năm đầu tiên do ít vốn anh Tờ chỉ đầu tư được diện tích 30ha nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến nhưng thật bất ngờ đến cuối năm đó anh được trên 6 tấn tôm, trừ chi phí lãi ròng tới 600 triệu đồng. Kinh nghiệm của anh thật đơn giản: tôm bột mua về không thả ngay mà thả vào ao ương để tôm thích nghi dần với điều kiện môi trường rồi mới “bung” ra đầm. Nguồn thức ăn của tôm cũng được tận dụng từ những loài hải sản tôm cá sẵn trong đầm để hạ giá thành sản xuất và thu lãi cao nhất. Năm 2002, anh Tờ thả nuôi tới 4 triệu tôm giống, thu hoạch 20 tấn tôm thịt, tổng trị giá 2 tỷ đồng.
Một trong những nông dân triệu phú ở Quảng Ninh là trang trại sinh thái của gia đình ông Nguyễn Văn Thơ xã An Sinh, huyện Đông Triều. Là một trong những người dân khai hoang đầu tiên của địa phương, ông Thơ đã cắm chốt tại dải đồi thuộc khu Khe Cát thuộc xã An Sinh từ những năm 60. Mọi chuyện bắt đầu từ chủ trương giao khoán đất dài lâu của địa phương, ông liền nhận 7ha đồi với thời hạn 50 năm để làm trang trại. Sau một thời gian “tầm sư học đạo” ông đã rút ra một kinh nghiệm quý báu là chỉ trồng những thứ thị trường cần, theo hướng hàng hoá lớn. Trong khi những nhà xung quanh vẫn quen trồng cây ăn quả làm quà thì trong vườn nhà ông đã trồng rất nhiều vải, nhãn, na… Để cho cây ra quả sai và đúng vụ, ông Thơ đã vận dụng các bí quyết như hạn chế bón phân, vặt lá, tiện gốc. Do vậy, vườn quả nhà ông luôn sai trĩu và bán rất được giá. Năm 2002, riêng vải và na gia đình ông đã thu được 80 triệu đồng. Dự tính đến năm 2005 khi mà những loại cây như vải, hồng, nhãn vào thời kỳ thu hoạch rộ thì số lãi thu được có thể lên tới 100 triệu đồng.
Đó là những tấm gương điển hình của hơn 200 triệu hộ có nguồn thu 50 triệu đồng/năm của Quảng Ninh. Điều ấn tượng từ những thế hệ nông dân mới này là họ đã biết tận dụng triệt để kiến thức khoa học kỹ thuật để làm giàu chính trên quê hương mình.
(Theo Nông Nghiệp Việt Nam)