Gạch trang trí thời Lê. |
3 phương án xử lý được Bộ Văn hóa Thông tin trình Chính phủ để lựa chọn là: giữ và bảo quản tại chỗ tất cả số hiện vật cổ đã được phát hiện; đưa tất cả số hiện vật ra khỏi lòng đất; bảo quản một phần di tích.
Cả ba phương án trên đều có ưu điểm là lưu giữ được các di tích có giá trị khảo cổ (toàn bộ hay một phần). Song mỗi phương án đều có hạn chế riêng. Nếu giữ và bảo quản tại chỗ tất cả số hiện vật trên, nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình sẽ phải di dời đến một địa điểm mới. Còn với phương án bảo quản một phần di tích (vốn được áp dụng nhiều nơi trên thế giới, ví dụ như ở bảo tàng Louvre, Paris), nhưng ở trường hợp này, việc bảo tồn một phần và hủy hoại một bộ phận di tích thành Thăng Long cổ sẽ làm phá vỡ tổng thể không gian văn hóa của quần thể di tích.
Bên cạnh đó, điều kiện khách quan không thuận lợi cũng cản trở việc tiến hành bảo tồn di tích. Ông Phạm Quang Nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, giải thích: “Trong điều kiện cốt đất khu vực Ba Đình thấp hơn 1 mét so với đáy sông Hồng, mà hầu hết các di vật đều làm bằng đất nung hoặc một số chất hữu cơ khác, thì khi chúng xuất lộ sẽ không tránh khỏi việc bị thẩm thấu. Thế nhưng nếu chống nước thẩm thấu theo phương vị ngang và dùng biện pháp xây tường bê tông cốt thép để ngăn thì cũng gặp khó khăn, vì bề mặt xuất lộ di tích ở độ cao thấp khác nhau, lại trải ra trên một diện tích quá rộng”.
Khí hậu nóng ẩm của Việt Nam cũng gây trở ngại lớn cho công tác bảo tồn. Thông thường các thiết bị bảo tồn sẽ phải được giữ ở môi trường nhiệt độ 20-22 độ C và độ ẩm 55-60%, trong khi nhiệt độ ngoài trời về mùa hè của Việt Nam là 35-37 độ C và độ ẩm từ 70% đến 80%. Mặt khác, Việt Nam cũng đang thiếu các thiết bị bảo tồn hiện đại.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ngành bảo tàng ở Việt Nam mới chỉ bảo tồn được các hiện vật trong nhà chứ chưa tiến hành được việc bảo tồn ngoài trời. Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nói: “Kinh đô Nara của Nhật Bản, được trùng tu bởi một đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm, trình độ, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cũng phải mất 4 thập kỷ mới hoàn thành. Như vậy, việc bảo tồn di tích thành Thăng Long cổ dưới lòng đất là khó; trong điều kiện khó khăn về kỹ thuật, tài chính, khó có thể suôn sẻ một sớm một chiều được. Nếu ngành bảo tồn phối hợp với các ngành khoa học liên quan trong nước, tranh thủ sự hợp tác quốc tế, thì mới hy vọng khắc phục được những hạn chế, khó khăn hiện nay”.
Công trình xây dựng quần thể kiến trúc Ba Đình, theo kế hoạch lẽ ra được khởi công ngày 1/10, nay đã bị đình lại để các chuyên gia khảo cổ học tiến hành khai quật. Đồng thời, Bộ Văn hóa Thông tin cũng kiến nghị thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội xây dựng quy hoạch khảo cổ học cho thành Hà Nội nói chung và hội trường Ba Đình nói riêng, tạo điều kiện cho các chuyên gia khảo cổ đảm bảo tiến độ khai quật.
Hiền Hòa