Hiệu lực điều ước quốc tế cao hơn luật trong nước

Dự thảo cũ ghi: “Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bảo đảm phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc gia nhập trong mức độ cam kết”. Tới dự thảo mới, quy định trên được thay bằng một điều luật với nội dung: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam tôn trọng, cam kết thực hiện và đòi hỏi các bên tôn trọng và thực hiện những điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Trong trường hợp điều ước quốc tế (…) có quy định khác với văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam thì áp dụng điều ước quốc tế đó”.
Tại buổi thảo luận chiều nay, hầu hết đại biểu tán thành sửa đổi này. Trao đổi với VnExpress, cựu bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc nhận định, việc bổ sung quy định này biểu thị thái độ tôn trọng của Việt Nam và sự chủ động trong việc bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế. Điều luật thể hiện chủ trương nhất quán về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Liên quan đến điều ước quốc tế, trong Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ, Việt Nam cam kết tại Điều 4, chương IV (tính minh bạch khi làm luật): “Chỉ có những luật (…) được công bố và được thông báo cho các cơ quan chính phủ và cá nhân tham gia hoạt động thương mại thì mới được thực thi và có thể thực thi”. Chấp nhận nguyên tắc này, khi sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ban soạn thảo đề nghị sửa đổi Điều 75 hiện hành theo hướng: tất cả luật, pháp lệnh cho đến văn bản của Chính phủ, các bộ ngành có hiệu lực từ ngày đăng công báo, trừ trường hợp văn bản đó ghi rõ ngày có hiệu lực. Đại biểu Trần Ngọc Đường băn khoăn về quy định này bởi theo ông, đăng công báo chỉ là hành vi hành chính, không thể là căn cứ xác định hiệu lực về mặt thời gian của văn bản quy phạm pháp luật. Ông Trần Thế Vượng chia sẻ quan điểm trên với ông Đường, yêu cầu ban soạn thảo giải thích.
Hai tiến sĩ luật học này còn đặt vấn đề về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chánh án TAND Tối cao, được quy định rải rác trong dự thảo sửa đổi luật. Như Điều 69: “Quyết định, chỉ thị, thông tư của chánh án (…) được ban hành để thực hiện việc quản lý các tòa án địa phương và tòa quân sự về mặt tổ chức; quy định những vấn đề khác…”. Ông Vượng cho rằng nên bỏ phần “vấn đề khác”, bởi điều luật được sửa đổi chỉ để phù hợp với việc giao quyền quản lý tòa địa phương, tòa quân sự cho TAND Tối cao – một điểm mới trong Luật Tổ chức tòa án nhân dân ban hành năm 2001. Và với mục đích như vậy, Điều 70 cũng cần điều chỉnh là trước khi ban hành văn bản, Chánh án TAND Tối cao chỉ cần lấy ý kiến của HĐND địa phương hay Bộ Quốc phòng, thay vì lấy ý kiến của VKSND Tối cao, Bộ Tư pháp… như dự thảo. Ông Vượng và ông Đường nhấn mạnh sự khác biệt giữa nguyên tắc làm việc tập thể của tòa án với làm việc theo chế độ thủ trưởng của VKS, và do đó không thể nhầm lẫn thẩm quyền ban hành văn bản của người đứng đầu hai ngành này.
Ngày mai, Quốc hội tiếp tục thảo luận để thông qua Luật Sửa đổi một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nghĩa Nhân

1gom