Ông Ralph Cossa trả lời phóng viên VnExpress. |
– Ông nghĩ thế nào về bước đi gây ngạc nhiên của Bình Nhưỡng: chấp nhận đàm phán đa phương với Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ, dù trước đó khẳng định chỉ đối thoại song phương với Washington?
– Ngồi vào bàn đàm phán không có nghĩa là mọi vấn đề đã được giải quyết. Đó chỉ là một cơ hội để các nước tham gia cùng nhau tìm một giải pháp chung. Cũng khó lý giải tại sao tới lúc này chính quyền Kim Châng In mới đi tới quyết định như vậy. Có thể họ đã thấu cái lợi và cái hại của việc nhất quyết không đối thoại đa phương. Trước đó, chiến lược của Bắc Triều Tiên mang tính đối đầu cao, trong khi chính sách của Mỹ lại không linh hoạt, gây nên sự căng thẳng không chỉ đối với quan hệ giữa Mỹ và Bình Nhưỡng, mà còn cả với Seoul và Bắc Kinh.
Các nước chỉ thể hiện sự phối hợp thực sự với chính quyền Bush sau khi CHDCND Triều Tiên thay đổi thái độ, tuyên bố từ bỏ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), trục xuất thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và tái chế các thanh nhiên liệu hạt nhân. Quá trình hợp tác trở nên chặt chẽ hơn khi Seoul, Bắc Kinh và Tokyo thấy được mối đe doạ sát sườn. Khi chính quyền Kim Châng In nhận thấy chiến lược chia rẽ giữa Mỹ với các đồng minh không còn tác dụng, họ đã phải thay đổi.
– Thời gian qua, Kremlin rất sốt sắng tham gia vào việc gỡ rối khủng hoảng. Ông có nhận định gì về yếu tố Nga?
– Việc Nga tham gia đối thoại với CHDCND Triều Tiên không có gì là mới. Tháng giêng năm ngoái, Tổng thống Putin đã cử đặc phái viên tới Bình Nhưỡng, đề xuất một giải pháp tổng thể, nhưng đã bị bỏ qua. Trong 10 năm qua, Matxcơva đánh mất dần vị thế của mình.
Nay, Kremlin muốn chứng tỏ mình vẫn là một chủ thể, một đối trọng lớn. Cũng như Mỹ, Nga tin mình vẫn là một siêu cường, đóng vai trò quan trọng cả ở châu Á và châu Âu. Thêm nữa, hoá giải thành công khủng hoảng sẽ giúp nước này tìm được những lợi ích về mặt kinh tế. Vùng viễn Đông đang ở trong cảnh kém phát triển. Nếu thành công, dự án đường sắt nối Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và tuyến đường sắt xuyên Siberia sẽ mang lại lợi ích lớn, thổi sức sống vào khu vực hẻo lánh này.
– Liệu có khả năng xảy ra một cuộc chiến Triều Tiên như thời kỳ 1950-1953 không, thưa ông?
– Tôi nghĩ là không. Thời thế đã đổi thay. Hồi năm 1950, Bắc Triều Tiên nghĩ mình có thể chiến thắng. Nga nhìn thấy thuận lợi khi Mỹ lao vào cuộc chiến ở vùng Viễn Đông, vì như vậy họ có thể rảnh tay tập trung vào châu Âu, mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Lúc đó, Washington có hai sự lựa chọn: bỏ rơi Hàn Quốc hoặc dùng vũ lực nhảy vào giúp đỡ. Và họ đã chọn giải pháp thứ hai. Tôi nghĩ rằng lần này cả 6 bên đều biết mình biết ta và sự cần thiết phải tránh một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên.
Hiện nay, tôi không cho là Bình Nhưỡng còn tin rằng họ có thể chinh phục được miền nam và chiến thắng Mỹ. Dù Washington và Seoul có thể chung sức đánh bại Bắc Triều Tiên, cái giá phải trả về phía Hàn Quốc là rất lớn. Do vậy, chiến tranh sẽ không phải là lựa chọn đúng đắn. Khi tôi nói chiến sự không có khả năng xảy ra không có nghĩa là nó sẽ không bao giờ xảy ra, vì trong quá khứ từng có những hành động ngu xuẩn.
– Trong trường hợp cuộc đàm phán 6 bên sẽ sụp đổ, ông nhận định thế nào về chính sách của Mỹ với Bắc Triều Tiên?
– Chúng ta cần phải xác định là vì sao đàm phán lại thất bại. Nếu vì Bắc Triều Tiên thử hay xuất khẩu tên lửa và theo đuổi chính sách đối đầu thì một lệnh trừng phạt quốc tế là điều không thể tránh khỏi. Tôi nghĩ Nga và Trung Quốc sẽ ủng hộ điều đó. Còn nếu đàm phán thất bại bởi sự thiếu hợp tác của Bình Nhưỡng thì cuộc khủng hoảng chắc chắn sẽ trầm trọng hơn. Khó khăn lớn nhất là chưa ai xác định rõ chữ “thành công” của cuộc đàm phán.
Tôi nghĩ cuộc họp bàn sắp tới được coi là thành công nếu Bắc Triều Tiên cam kết “đóng băng” các chương trình hạt nhân hiện tại, cũng như không theo đuổi vũ khí hạt nhân và tái chế các thanh nhiên liệu. Đổi lại, các bên bảo đảm sẽ không có hành động thù địch và đe doạ lẫn nhau, chừng nào các cuộc đàm phán đang tiến triển. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn có thể đạt được nếu các quốc gia tham gia thực sự chân thành.
Ralph Cossa là người quản lý các chương trình về an ninh, chính trị, kinh tế và môi trường của Diễn đàn Thái Bình Dương. Ông là thành viên Ủy ban điều hành của Hội đồng đa phương về Hợp tác an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương (CSCAP), đồng thời giữ cương vị chủ tịch điều hành của CSCAP Hoa Kỳ. Cossa cũng là thành viên của Hội đồng Nghiên cứu quan hệ an ninh Mỹ – Hàn Quốc và là một chuyên gia về chiến lược an ninh quốc gia, các vấn đề chính trị. Ông có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xác định, xây dựng và triển khai chính sách an ninh của Hoa Kỳ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Đông Bắc Á và Nam Á. |
Bá Thùy thực hiện