Al-Qaeda có thể đang ẩn nấp ở Indonesia

Bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Indonesia.
Bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Indonesia.

Phát hiện này cho thấy Al-Qaeda đã tập trung sự chú ý vào Indonesia, đất nước Đông Nam Á có số người theo đạo Hồi lớn nhất thế giới.
Các quan chức tình báo Mỹ và Indonesia cho biết rất nhiều người, có thể liên quan đến Al-Qaeda, đã tới một trại huấn luyện bí mật tại vùng rừng rậm Sulawesi, một hòn đảo ở miền Trung Indonesia, gần thành phố cảng Poso.
Đây là một nơi rất bí mật. Các thành viên được đào tạo để sử dụng vũ khí tự động và làm bom, dưới sự hướng dẫn của Al-Qaeda và trợ giúp của các dân quân Hồi giáo địa phương. Các quan chức tình báo Indonesia ước tính rằng trong vài năm qua, có vài trăm người, trong đó nhiều nhân vật đến từ châu Âu, Pakistan và Trung Đông, đã vào nước này, giả dạng các nhân viên cứu trợ để tới trại.
Hồi tháng tám và tháng mười, cảnh sát đã bắt giữ một số người không phải là dân Indonesia đang ở trong khu vực Poso. Nhưng tất cả đều được thả, sau khi trình cho các quan chức địa phương lá thư của một tổ chức từ thiện Hồi giáo ở miền Nam Sulawesi. Trong thư nói rằng họ đến Poso để giúp xây lại các nhà thờ Hồi giáo. Cảnh sát về sau mới phát hiện ra tổ chức từ thiện, tên là Uỷ ban Khủng hoảng, có “liên quan đến Osama bin Laden và Al-Qaeda”. 
Các nhân viên an ninh ở Indonesia bắt đầu tìm kiếm trại bí mật, sau khi giới chức Tây Ban Nha cung cấp bằng chứng, thu được trong một cuộc điều tra 8 người tình nghi là thành viên Al-Qaeda hồi tháng mười một. Bằng chứng ám chỉ hàng trăm chiến binh nước ngoài đã tới Poso năm 2001.
Một toà án Tây Ban Nha cho rằng một người Indonesia 34 tuổi, có tên Parlindungan Siregar, từng học về công nghệ hàng không ở Tây Ban Nha là nhân vật chủ chốt phụ trách hoạt động đào tạo khủng bố. Theo các quan chức Tây Ban Nha, ông ta có liên quan đến nhóm Laskar Jihad, một nhóm dân quân Hồi giáo từng tiến hành cuộc chiến ở Moluccas và Poso, nhằm đuổi người Cơ Đốc giáo khỏi nơi này.
Indonesia hiện vẫn chưa tìm thấy Siregar, nhưng họ đã xác định được địa điểm trại huấn luyện. Trại này giờ không còn hoạt động nữa. “Có lẽ nó đã tạm thời đóng cửa, sau những vụ bắt bớ ở Tây Ban Nha”, một quan chức tình báo cấp cao bình luận.
Phát ngôn viên Laskar Jihad cho biết họ không đào tạo các chiến binh không phải người Indonesia, nhưng thừa nhận: “Một số người tình nguyện nước ngoài từng trợ giúp công tác nhân đạo”.
Lãnh đạo Laskar Jihad, Jaffar Umar Thalib phủ nhận nhóm này có liên quan đến Al-Qaeda. Jaffar khai với cảnh sát rằng ông ta đã gặp bin Laden ở Pakistan vào năm 1987, khi họ cùng chuẩn bị vào Afghanistan để tham gia cuộc chiến chống quân đội Liên Xô. Tuy nhiên, theo lời Jaffar, ông không thích sự giàu có và trình độ hiểu biết Hồi giáo kém cỏi của bin Laden. Ông cũng phản đối cách bin Laden sử dụng các chiến binh đánh bom tự sát. Hồi tháng bảy, bin Laden đã cử một phái viên đến Moluccas, ngỏ ý hỗ trợ tài chính cho Laskar Jihad và thúc giục nhóm này tham gia mạng lưới Al-Qaeda, nhưng Jaffar đã từ chối. Đi cùng với phái viên nói trên là các thành viên một nhóm khác, Laskar Mujaheddin, cũng từng tham gia tấn công dân làng Cơ Đốc giáo ở Moluccas và Sulawesi.
Các quan chức tình báo Indonesia cho biết lãnh đạo của Laskar Mujaheddin, một giáo sĩ Hồi giáo có tiếng tăm Abu Bakar Bashir, từ lâu có quan hệ với bin Laden. Bashir thì phủ nhận điều này, mặc dù ông không phản đối những chiến thuật của nhà triệu phú Ảrập Xêút: “Mỹ đã tuyên chiến với Hồi giáo. Gài bom, tấn công tự sát là một phần của cuộc chiến”.
Mỹ và các quan chức Indonesia cho biết tới nay, họ không thể tìm được những bằng chứng về mối quan hệ cụ thể giữa Al-Qaeda và Laskar Jihad cũng như Laskar Mujaheddin.
Sau khi bản đồ vẽ tay được phát hiện, an ninh tại đại sứ quán Mỹ đã được thắt chặt. Các chuyên gia chống khủng bố tiến hành một cuộc điều tra xem ai có thể hoạch định tấn công, nhưng kết quả chưa thu được là bao.
Giờ đây, các quan chức Mỹ ngày càng lo ngại là một số thành viên Al-Qaeda có thể đã thiết lập những “ổ tĩnh” tại Indonesia. Những ổ này sẽ bừng tỉnh bất cứ lúc nào, vì các lãnh đạo của Al-Qaeda ở Afghanistan đều đã trốn chạy, bị bắt sống hay bị giết.
Minh Châu (theo Washington Post)

Close [X]
1gom
1gom